CÀO NGAO THUÊ 30.000 ĐỒNG/GIỜ BÊN BỜ BIỂN THANH HÓA
Mỗi ha nuôi ngao, người chủ đầu tư từ 400 triệu đồng, sau khoảng 16-18 tháng đến mùa thu hoạch, họ sẽ thuê công nhân đi cào, giá mỗi giờ 30.000 đồng, làm việc tất bật từ tờ mờ sáng trên bờ biển.
- Hôm nay có đứa cháu từ Hà Nội về nghỉ hè, lát tôi sẽ mang về một ít ngao để nấu cho nó bát canh rau lang, lá lốt và ít hành tươi. Lần nào về quê, nó cũng bắt tôi nấu cho bằng được.
- Vâng, mà thấy lạ là cũng ngao đó, cũng cách nấu đó nhưng ăn ở quê nhà lúc nào cũng ngon hơn. Thằng lớn nhà em đi TP.HCM bao năm mà mỗi lần điện về cũng luôn nhắc nhớ canh ngao mẹ nấu.
- Đúng là chỉ có về quê thì mọi thứ dù là bình thường đơn giản cũng đều trở nên ngon và đẹp cô nhỉ.
Câu chuyện của những phụ nữ làm nghề cào ngao ở bờ biển Hậu Lộc (Thanh Hoá) vang lên giữa không gian tĩnh mịch của một ngày mới. Tiếng sột soạt mặc đồ bảo hộ, tiếng leng keng của dụng cụ cào ngao va chạm vào nhau. Trời tờ mờ sáng, phía chân trời đang dần ửng hồng.
Các bãi ngao dọc bờ biển xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc luôn tấp nập cảnh lao động vào mỗi tờ mờ sáng. Ở đây, cát được các hộ đổ xuống ven biển tạo thành các bãi triều để nuôi ngao, các lối đi lại cũng được hình thành từ đó. Chỉ cần bước lệch khỏi con đường này, một người nào đó rất dễ bị lún chân rất sâu xuống lớp bùn hoa dày đặc quánh.
4h sáng, khi thủy triều xuống, người dân các xã Hải Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, trong đó chủ yếu là phụ nữ bắt đầu ra biển. Họ đi thành từng nhóm, có mặt ở bãi nuôi trồng ngao, bắt đầu công việc nhặt thuê ngao thành phẩm, thậm chí nhặt vỏ ngao chết làm sạch bãi trước khi chủ cho nuôi trồng lứa ngao mới.
Vào lúc 5h, mặt trời dần xuất hiện, hắt lên bầu trời phía đằng xa ánh sáng vàng hồng tráng lệ, thứ màu sắc phản chiếu đó đủ để những người đi biển nhìn thấy nhau trong khoảng cách gần và nhận diện cảnh vật mờ ảo khi vẫn còn đang nhuộm một màu đen huyền bí. Hành trang của những người cào ngao là một chiếc túi lưới, một chiếc rổ nhỏ, một cây đinh ba cầm tay và nón lá trên đầu.
Bờ biển Hậu Lộc khi còn tinh mơ là thời khắc đẹp nhất. Lúc này thủy triều rút ra rất xa làm lộ vùng bãi ngang nuôi trồng ngao. Nhiều người bắt đầu rảo bước trên mặt biển dù đang cách xa đất liền cả 700-800 m.
Mới sáng tinh mơ nhưng nơi đây đầy ắp tiếng cười nói. Họ là những lao động địa phương đi nhặt ngao thuê trên bãi. Từng tốp đi giữa hàng cây sú vẹt, loài cây được trồng dày đặc trên biển để tránh gió bão.
Trang phục của họ gồm áo dài tay, khẩu trang, nón hoặc mũ rộng vành, che chắn kín mít từ đầu tới chân. Tất cả làm việc liên tục với tư thế ngồi xổm, mặt cúi gằm, tay cào đất, tay nhặt ngao trên một bãi triều rộng lớn 600-700 ha. Thỉnh thoảng, các chị dừng lại nghỉ giải lao để uống nước, ăn cái bánh, tán gẫu dăm ba câu chuyện rồi tiếp tục công việc, mặc nắng gió trên lưng.
Phóng viên có mặt tại đây đã bỏ lại giày trên đê, chân vẫn xỏ tất để tránh bị thương khi dẵm phải hàu hay vỏ ngao sắc cạnh, thậm chí phải theo chân người đi trước để tránh gặp các hố bùn sụt.
Khi thoát ra khỏi những hàng sú vẹt cao vút và che khuất, trước mắt chúng tôi là cả một khoảng trời biển bao la với những hàng cọc lưới giăng nối tiếp nhau. Những bãi cát nuôi ngao gợn sóng cát trải dài cùng những chòi canh ngao lêu nghêu, ngạo nghễ với gió biển.
Theo những lối đi riêng giữa các bãi nuôi ngao với những hàng cọc có lưới vây, đoàn người tiến dần ra phía những bãi ngao xa nhất. Khi chân đã đạp trên lớp cát cứng cũng là lúc các bà, các chị chia vị trí làm việc tại các bãi khác nhau.
Đến khoảng 9-10h, các lao động tạm dừng công việc, bàn giao ngao cho chủ bãi, nhận tiền công và theo lối cũ về bờ. Lúc này thủy triều dần lên, nước phủ kín những bãi ngao chỉ còn những chòi canh ngao lêu nghêu, như thể đánh dấu "chủ quyền" từng bãi ngao trên biển.
Ở đây, họ dùng chiếc đinh ba cào xới các bãi cát làm ngao lộ ra, nhặt vào rổ rồi đổ ngao vào túi lưới mang theo bên mình. Túi lưới khi đầy, ngao được khiêng ra biển và giũ hết cát bám xung quanh, xếp thành từng túi lớn trên bãi trước khi cho lên thuyền chở vào bờ tiêu thụ.
Ông Hà (thôn Trường Nam, xã Hải Lộc) bảo công việc này là việc chính của mình cùng những người trong gia đình và cũng gần như là cả xã Hải Lộc. Đã gần 10 năm nay ông làm nghề này. Công việc tuy vất vả nhưng lại giúp cho kinh tế của gia đình ổn định và phát triển.
Ông Hà kể rất nhiều mà vẫn không quên nhắc phóng viên để ý tránh các vũng nước và đi trên vùng cát cạn vì rất nguy hiểm. Đấy có thể là vũng bùn sâu mà người dân tạo ra trong quá trình làm bãi nuôi trồng ngao.
Hậu Lộc là huyện ven biển tỉnh Thanh Hóa, nơi đây có vùng nuôi ngao tập trung với quy mô trên 600 ha, phân bố dọc theo dải rừng ngập mặn ven biển ở 3 xã Đa Lộc, Minh Lộc và Hải Lộc.
Xưa kia biển Hậu Lộc có những bờ cát dài trắng mịn, bến thuyền sớm chiều tấp nập những cánh buồm nâu ra vào. Theo thời gian những dải cát dài đó được thay thế bằng đê kè bê tông hóa và vùng biển xuất hiện nhiều bùn hoa, thứ bùn nhão và đặc quánh. Vùng biển này là vùng đánh bắt thuỷ hải sản bao đời nay của ngư dân 5 xã.
Khoảng 10 năm trở lại đây ngao là loài thủy sản được nuôi trồng chủ yếu. Nghề nuôi ngao nơi bãi ngang của huyện Hậu Lộc đã đem lại thu nhập kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình. Mỗi ha nuôi ngao, người dân đầu tư khoảng 400 triệu đồng (tiền ngao giống, cọc, lưới, công chăm sóc). Sau 16-18 tháng, ngao bắt đầu cho thu hoạch.
Chị Vũ Thị Hồng, chủ cơ sở thu mua ngao Dục Hồng - thôn Yên Hòa, xã Đa Lộc cho biết gia đình có hơn 30 ha nuôi trồng ngao, số lao động thường xuyên làm việc tại cơ sở có thời điểm lên tới gần 30 lao động, mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Đào (thôn Y Vích, xã Hải Lộc), một lao động cào nhặt ngao thuê cho biết năm nay ngao được mùa, được giá. Mỗi buổi chị thường làm trong khoảng 5 tiếng, nhặt được khoảng 80-90 kg ngao, tiền công mỗi giờ lao động là 30.000 đồng.
"Nếu nhận thêm công việc san đất xuống các điểm trũng của bãi ngao thì tiền công lao động sẽ là 50.000đồng/giờ", chị vừa nói vừa chỉ tay về một phụ nữ khác đang đẩy những xe cát đổ thành từng đống nhỏ trên một vũng nước lớn của bãi ngao kế bên.
Theo báo cáo của Hậu Lộc, 6 tháng đầu năm 2021 toàn huyện sản lượng thu hoạch đạt 4.870 tấn/ha đạt năng suất 14,5 tấn/ha. Mỗi ha nuôi ngao được khoảng 800 triệu đồng, trừ mọi chi phí sẽ còn lãi 300 - 400 triệu đồng.
Từ đầu năm thời tiết thuận lợi, môi trường nước ổn định, ngao phát triển tốt, hiện giá bán trên thị trường vào khoảng 17.000 đồng/kg cao hơn hai giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã xác định ngao là đối tượng tập trung ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích ngao nuôi toàn tỉnh là 1.247 ha; sản lượng hàng năm đạt 15.000 tấn. Doanh thu trung bình từ 300-400 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, huyện đặt mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ngao, xây dựng đầy đủ tiêu chuẩn cơ sở pháp lý về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng mọi điều kiện để có thể xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.
UBND huyện cũng ban hành các chính sách thu hút, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư tiếp cận và hình thành các dự án chế biến ngao tại địa phương đưa nghề nuôi ngao của Hậu Lộc phát triển tạo công ăn việc làm cho các lao động ở các xã bãi ngang ven biển của huyện, từng bước tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.