Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cao hổ cốt làm từ xương chó pha thuốc phiện

Rao bán trên mạng với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi lạng nhưng cao hổ cốt lại có nguồn gốc từ xương chó, xương heo, gà pha thuốc phiện.

Cao hổ cốt làm từ xương chó pha thuốc phiện

Rao bán trên mạng với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi lạng nhưng cao hổ cốt lại có nguồn gốc từ xương chó, xương heo, gà pha thuốc phiện.

Hiện nay, cao hổ cốt được rao bán tràn lan trên mạng. Trang muaban…, ghi: “Bán cao hổ cốt bảo đảm hàng nguyên chất 100%, giá 13 triệu đồng một lạng”. Trên trang muabanraovat…, một người tên Minh, rao: “Mình ở Mai Châu-Hòa Bình. Nhà mình chuyên nấu cao hổ. Bây giờ thì không nấu nữa nhưng vẫn còn lại một ít nên mình mang bán hộ bố mẹ, bán với giá 3.000.000đ/lạng…”.

Tiếp tục click chuột vào “chợ cao hổ” online, giao diện đập vào mắt là dòng chữ: “Cao hổ chính tông không dùng cần bán” giá 30 triệu đồng/lạng, với hơn 200 người truy cập và đưa ra những đề nghị cần mua. Ghé thăm một vài “chợ” online khác rao bán cao hổ, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác trước nguồn gốc ly kỳ của những miếng cao. Người bảo có suất mua cao hổ cốt do Bộ tư lệnh biên phòng; kẻ “nổ” có chú là kiểm lâm nên tịch thu nhiều con hổ bị sát hại từ đám thợ săn, đem thiêu hủy thì phí quá nên chú cùng đồng đội tổ chức nấu cao.

Ông N.N. (ở  TP. Vinh, Nghệ An), khá am hiểu về cao hổ cho biết: trên mạng, thậm chí những người rao bán bên ngoài với mức giá 10-30 triệu đồng/lạng làm gì có cao hổ thật 100%. Gọi là cao xương hổ nhưng nhiều khi xương hổ chỉ khoảng 1/10, phần lớn là xương các loại động vật khác. Cao hổ rất khó phân biệt thật giả vì các loại xương động vật khi nấu cao đều na ná nhau. Nhiều người đã lầm khi mua phải loại cao này.

 
Tung hình ảnh đang “mần” thịt chúa sơn lâm thu được niềm tin của khách.

“Thần kỳ” nhờ thuốc phiện và tân dược gây nghiện

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - phụ trách phòng khám Tuệ Lãn khẳng định: “Tôi đã từng nói với nhiều người lẫn bệnh nhân đừng quá tin vào cao hổ và cũng đừng đặt niềm tin vào ai đó rao bán, bởi làm gì còn hổ nhiều đến độ người ta rao bán bừa bãi tràn lan như bán rau củ. Nhưng nhiều người vẫn… dính bẫy”.

Thực tế, tuy nhiều người đã đề cao cảnh giác nhưng vẫn "dính đòn". Họ nào biết mớ cao hổ được nấu từ xương trâu, bò, chó nhưng “thần hiệu” nhờ tác dụng của thuốc phiện. Cứ mỗi lần trái gió trở trời, cơ thể đau nhức, bệnh nhân cắt vài lát cao hòa nước uống và thấy “êm” nên càng tin tưởng.

Không chỉ thuốc phiện, các loại thuốc kháng viêm, giảm đau cũng được pha vào với cao hổ.

Việc sử dụng cao hổ được pha thuốc phiện, thuốc kháng viêm như thế, theo các chuyên gia về y học là rất nguy hại, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nghiện vô thức, dùng thì thấy khỏe, hưng phấn nhưng không dùng thì cơ thể có cảm giác mệt mỏi, suy nhược. Càng sử dụng cao này, liều dùng của người sử dụng gia tăng theo thời gian, dần dà họ có nguy cơ trở thành con nghiện.

 
Hai cá thể hổ nuôi giữ trái phép trong nhà dân được công an huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bắt giữ cuối năm 2012.

Không có tang vật, khó xử lý

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng phòng pháp chế Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cùng với voi, tê giác…, hổ là loài động vật hoang dã có tên không chỉ trong Sách đỏ Việt Nam mà còn trong Sách đỏ thế giới. Mọi hành vi săn bắt, mua bán hổ, kể cả các bộ phận từ cơ thể hổ như răng nanh, da, móng vuốt hay cao nấu từ xương hổ đều bị xử lý theo luật pháp. Ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một cán bộ Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, các trang bán hàng qua mạng thường chỉ đưa hình ảnh quảng cáo chào hàng ảo, khi có người mua mới liên hệ lấy hàng cung cấp chứ không trữ hàng nên rất khó phát hiện. Lực lượng kiểm tra từng lần theo một số địa chỉ trên các trang web nhưng đến nơi thì là địa chỉ “ma”, địa chỉ có thật thì không có hàng hoặc chỉ để một vài mẫu trưng bày. “Cần có sự tham gia của Sở Thông tin và truyền thông để chế tài hoạt động của các trang web này thì mới xử lý hiệu quả” - vị này nói. Thế nhưng, đại diện Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, cho biết: chỉ cấp phép cho các trang thông tin điện tử tổng hợp chứ không có thẩm quyền cấp phép, quản lý các trang web tổ chức bán hàng.

Một đại diện Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương cho rằng: quảng cáo, bán hàng trên các trang mạng xã hội thường qua hình ảnh minh họa, không có hoạt động ký kết, giao dịch nên không có tang vật, khó có thể tiến hành điều tra, xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo động vật hoang dã không bị rao bán trái quy định trên mạng thì cần phải kiểm soát được nguồn gốc thông tin, đồng thời tăng mức độ xử phạt để răn đe các đối tượng vi phạm. Được biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng một nghị định mới về thương mại điện tử, trong đó sẽ nghiên cứu việc công nhận chứng từ điện tử và những phương án đối phó với loại tội phạm này.

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Bạn có thể quan tâm