Một số đô vật nữ hàng đầu Ấn Độ đã đe dọa trả lại huy chương. Ảnh: PTI. |
Tuần trước, một số đô vật nữ hàng đầu Ấn Độ đã đe dọa trả lại huy chương, đồng thời cáo buộc nhà chức trách phớt lờ việc họ tố cáo quan chức hàng đầu của bộ môn thể thao này quấy rối tình dục.
Trong 15 ngày qua, các nữ đô vật hàng đầu, bao gồm Vinesh Phogat và Sakshi Malik, đã tổ chức biểu tình ở trung tâm Delhi, bỏ lịch trình luyện tập nghiêm ngặt và ngủ dưới mưa.
Yêu cầu của họ rất đơn giản: Đó là điều tra và bắt giữ trưởng Liên đoàn đấu vật Ấn Độ (WFI), Brijbhushan Sharan Singh - người họ cáo buộc đã quấy rối tình dục 7 đô vật nữ trong hơn một thập niên, theo Guardian.
Tuy nhiên, ông Singh phủ nhận các cáo buộc, gọi chúng là "vô căn cứ" và là âm mưu nhằm loại bỏ ông khỏi quốc hội. Ông Singh hiện là nghị sĩ 5 nhiệm kỳ của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
“Không có vụ quấy rối tình dục nào. Nếu thực sự có điều ấy thì tôi đã treo cổ tự tử”, ông từng khẳng định.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ấn Độ, ông nói rằng đã ôm một trong những nữ đô vật "theo cách của người cha".
Cáo buộc
Các nữ đô vật hàng đầu của Ấn Độ nói rằng nạn nhân không chỉ bị phớt lờ mà còn bị đe dọa khi cố lên tiếng.
Phogat (28 tuổi), người giành được huy chương tại Giải vô địch Đấu vật Thế giới, cho biết các nữ đô vật đã đưa ra cáo buộc quấy rối tình dục tới một số cơ quan, bao gồm WFI, Hiệp hội Olympic Ấn Độ, Bộ thể thao Ấn Độ và thậm chí cả cảnh sát. Nhưng không bên nào hành động.
Trong bức thư gửi Hiệp hội Olympic Ấn Độ, Phogat cáo buộc cô bị ông Singh "quấy rối và tra tấn tinh thần".
Đô vật Ấn Độ Vinesh Phogat phát biểu trong cuộc biểu tình phản đối quấy rối tình dục, ngày 19/1, ở New Delhi. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi đã cố gắng để đưa ra vấn đề này nhưng bị phớt lờ...”, Malik, người phụ nữ đầu tiên giành huy chương Olympic môn đấu vật vào năm 2016, chia sẻ.
Cô cho biết một nhóm đô vật nữ trẻ đã cố gắng làm đơn khiếu nại ông Singh về hành vi quấy rối tình dục vào năm 2012 với cảnh sát ở Uttar Pradesh. Tuy nhiên, “vụ việc biến mất trong vòng 24 giờ”.
Vào tháng 1, nhóm phụ nữ đã công khai cáo buộc và bắt đầu biểu tình ở thủ đô.
Một số chính trị gia đối lập cũng đến cuộc biểu tình để thể hiện sự ủng hộ, nhưng các đô vật đã lịch sự yêu cầu họ rời đi. Đây là hành động nhằm từ chối chính trị hóa cuộc biểu tình.
“Đây là cuộc biểu tình để cứu lấy tương lai của môn thể thao này và tương lai các nữ đô vật. Đây không phải là chính trị”, nam đô vật Bajrang Punia, người cũng có mặt tại cuộc biểu tình, nói.
Sau cuộc biểu tình ban đầu, những người phụ nữ nói rằng Bộ trưởng Thể thao Ấn Độ Anurag Thakur đã cam kết với họ sẽ thành lập ủy ban để điều tra cáo buộc.
Vào thời điểm đó, ông Thakur cho biết người đứng đầu liên đoàn đấu vật Brij Bhushan Sharan Singh tạm thời đình chỉ chức vụ để phối hợp điều tra. Cuộc điều tra sẽ diễn ra trong vòng 4 tuần.
Nhưng không có báo cáo nào được công bố trong nhiều tháng kể từ đó. Malik sau đó cáo buộc đang có “một nỗ lực có hệ thống… nhằm bịt miệng những lời phàn nàn của chúng tôi”.
Chỉ sau khi nhóm này ra tòa án tối cao vào tuần trước, cảnh sát Delhi - cơ quan trực thuộc chính quyền trung ương - mới đệ đơn kiện. Không ai trong số những nữ đô vật trên được gọi đến để đưa ra bằng chứng.
"Đặt cược mọi thứ"
Những nữ đô vật đã quay trở lại biểu tình ở Jantar Mantar, New Delhi vào tháng 4, nói rằng họ sẽ không đi cho đến khi ông Singh bị bắt.
Bộ trưởng Thể thao Thakur phủ nhận mọi hành vi che đậy và cho biết cuộc điều tra đang diễn ra.
Nữ đô vật Vinesh Phogat và Sangita Phogat luyện tập trong khi họ tham gia cuộc biểu tình vào ngày 28/4. Ảnh: AP. |
Tuần trước, sau khi các đô vật và một số người ủng hộ tại địa điểm biểu tình cáo buộc họ bị lạm dụng và cư xử thô bạo bởi cảnh sát, Phogat - vận động viên đoạt huy chương đồng Olympic - cho biết cô đang nghĩ đến việc trả lại huy chương.
Cảnh sát phủ nhận mọi hành vi bạo lực với người biểu tình.
Vụ việc một lần nữa nhấn mạnh những khó khăn mà phụ nữ ở Ấn Độ gặp phải khi lên tiếng cáo buộc quấy rối tình dục.
“Chúng tôi đã đặt cược mọi thứ chúng tôi có - sự nghiệp, danh tiếng, thậm chí cả mạng sống - để nêu ra vấn đề này”, Malik nói.
“Chúng tôi không nêu vấn đề này cho riêng mình, mà là cho tất cả cô gái đã phải đối mặt với sự quấy rối từ những người đàn ông quyền lực và không thể nói ra”, cô cho hay.
Phoga cũng chỉ trích thái độ phân biệt giới tính mà các nữ đô vật thường phải đối mặt trong môn thể thao.
“Trong thời gian biểu tình (vào tháng 1), tôi liên tục nhận được cuộc gọi từ các cô gái trên khắp Ấn Độ với cùng một lời phàn nàn. Đó là lý do ngày càng có nhiều đô vật xuất hiện mỗi ngày để biểu tình”, cô nói với This Week In Asia.
Bộ sách cung cấp cái nhìn toàn diện về Ấn Độ
Mục Thế giới giới thiệu bộ sách thuộc nhiều lĩnh vực giúp độc giả hiểu hơn về đất nước, văn hóa, xã hội, kinh tế, con người Ấn Độ.
Bộ sách gồm 8 cuốn, gồm cả sách dịch và sách được biên soạn như Ấn Độ: Đất nước - Xã hội - Văn hóa, Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ, Người Ấn Độ thích tranh luận… Độc giả có thể xem thêm tại đây.