Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Fox Business, ông Trump nói “tôi nghĩ có khả năng” mình bị lây bệnh tại một sự kiện dành cho thân nhân những người lính đã tử nạn, vì họ “đôi lúc tới sát mặt tôi tận một inch” (1 inch = 2,54 cm).
“Họ muốn ôm hôn tôi”, ông nói thêm. “Và họ làm vậy, nói thật, tôi không bảo họ lùi lại. Tôi không bảo vậy. Nhưng tôi có nói như vậy rõ ràng là nguy hiểm”.
Chưa rõ các gia đình quân nhân bình luận ra sao về lời kể này của ông Trump, và chưa rõ lời kể của ông có đúng sự thực hay không. Ông Trump không đưa ra bằng chứng cụ thể nào để khẳng định mình bị lây virus từ sự kiện ngày 27/9, như qua một quy trình truy vết tiếp xúc hay phân tích mẫu gen.
Sau đó, khi vấp phải những phản đối, Nhà Trắng tìm cách né tránh lời của ông Trump.
Sự kiện ngày 27/9 ở Nhà Trắng dành cho gia đình các quân nhân. Ảnh: Nhà Trắng. |
Ông Trump muốn gạt đi chỉ trích coi nhẹ virus
Trước đây, ông Trump vẫn hiếm khi đeo khẩu trang, và thường xuyên coi nhẹ nguy cơ nhiễm virus.
Ông còn khuyến khích những người khác trong Nhà Trắng không đeo khẩu trang, và chế nhạo đối thủ Joe Biden thường xuyên đeo khẩu trang.
Với việc nêu đích danh sự kiện dành cho gia đình quân nhân là nguồn lây virus, ông Trump muốn xoay chuyển việc mình nhiễm virus là do làm nhiệm vụ tổng thống, chứ không phải do chính ông đã coi nhẹ, gạt đi các khuyến cáo y tế, Washington Post nhận định.
Các thông tin trên báo chí cho thấy virus có thể đã lây lan trong Nhà Trắng từ trước ngày 27/9.
Chỉ một ngày trước đó, ngày 26/9, Nhà Trắng tổ chức sự kiện cả trăm người để giới thiệu người được tổng thống đề cử vào Tòa án Tối cao, Thẩm phán Amy Coney Barrett. Tại đây, khách ngồi sát nhau, ít người đeo khẩu trang, sau đó họ bắt tay chào hỏi và chụp ảnh. Một số người dự sự kiện, bao gồm một số nghị sĩ, đã dương tính.
Sáng ngày 26/9, những người trong đội ngũ chuẩn bị cuộc tranh luận đầu tiên đã họp với ông Trump. Sau này, họ cũng đều dương tính, bao gồm cố vấn cao cấp Hope Hicks, cựu luật sư Nhà Trắng Kellyanne Conway, và giám đốc tranh cử Stepien, cựu Thống đốc bang New Jersey Chris Christie.
Cho đến nay, chưa có thông tin về các gia đình quân nhân mắc Covid-19 sau sự kiện, Washington Post dẫn lời hai tổ chức phụ trách đề cử người tham dự.
Các gia đình quân nhân được xét nghiệm nhanh trước sự kiện, và phải âm tính thì mới được dự.
Ông Trump đưa ra giả thuyết bị lây virus từ sự kiện ngày 27/9 nói trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox ngày 8/10. Cuộc phỏng vấn thể hiện sự thất thường của tổng thống gần đây, phản ánh sự bực tức của ông khi bị tụt lại với cách biệt hai chữ số trong các thăm dò, và phải ở nhà cách ly dù bầu cử chỉ còn 26 ngày, các cố vấn nói với New York Times.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump thậm chí còn kêu gọi truy tố cựu Tổng thống Obama và đối thủ Joe Biden. Ông chỉ trích ngoại trưởng, bộ trưởng Tư pháp, giám đốc FBI dưới quyền mình vì đã không truy tố người của đảng Dân chủ.
Ông cũng liên tục miệt thị ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris là “con quỷ”, và còn khẳng định mình không lây nhiễm, dù ông vẫn chưa qua giai đoạn cách ly mà hầu hết giới y tế khuyến cáo.
Quân nhân từng là khối cử tri quan trọng với ông Trump năm 2016. Ảnh: New York Times. |
Quân nhân - khối cử tri quan trọng của ông Trump
Những câu trả lời phỏng vấn của tổng thống nhiều khả năng sẽ càng khiến ông bị giới quân nhân chỉ trích, nhất là sau những mâu thuẫn gần đây.
Thượng nghị sĩ Jack Reed (đảng Dân chủ, bang Rhode Island), trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện, kêu gọi ông Trump xin lỗi vì đổ cho các gia đình quân nhân là nguồn virus.
“Đây là một câu nói gây sốc, thậm chí là đối với tổng thống này. Ông ta phải ngay lập tức xin lỗi”, ông Reed nói trong một thông cáo. “Không làm như vậy sẽ là một ví dụ nữa cho thấy sự thiếu tôn trọng những con người của lực lượng vũ trang mà chúng ta giao nhiệm vụ bước vào vòng hiểm nguy”.
Ông Reed nói thay vì đổ lỗi vô căn cứ, ông Trump nên minh bạch với chính sức khỏe của mình và thực hiện “truy vết tiếp xúc một cách thực sự”.
Chỉ vài tuần trước, Atlantic đưa tin ông Trump đã gọi những người lính tử trận là “kẻ thua cuộc”, “kẻ thất bại”, trong một sự kiện.
Ông Trump từng dựa vào cựu chiến binh và lính đang phục vụ như một khối cử tri quan trọng. Năm 2016, khoảng 60% bầu cho ông, theo các thăm dò ở điểm bỏ phiếu. Những địa hạt ở các bang dao động mà có tỷ lệ cựu binh cao chính là những nơi giúp ông Trump chiến thắng. Nhưng sự ủng hộ đó dường như đã giảm, theo New York Times.
Gần đây, một nhóm nhiều cựu quan chức an ninh quốc gia theo đảng Cộng hòa, bao gồm nhiều tướng về hưu, đã chuyển sang ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Một nhóm khác gồm nhiều quan chức nội các từ chính quyền Bush cũng chuyển sang ủng hộ ông Biden.