Nước ta vốn có truyền thống trọng sự học, nhân tài xưa đều quyết tiến thân bằng khoa cử. Tuy thi cử nghiêm túc, nhưng sử sách vẫn ghi lại nhiều vụ gian lận thi cử nghiêm trọng.
Chủ khảo phải chịu án tử khi gian lận
Điển hình là vụ Tham tụng (Tể tướng) Lê Hy gửi gắm con khiến Phó chủ khảo Ngô Sách Tuân phải chịu án tử hình.
Lê Hy (1646-1702) là danh sĩ thời Lê Trung hưng, đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1664 lúc mới có 18 tuổi, làm quan được thăng lên đến các chức Thượng thư bộ Binh bên cung vua, rồi làm Tham tụng bên phủ Chúa, là người biên soạn phần sau bộ Đại Việt sử ký toàn thư, chép từ đời Lê Huyền Tông đến Lê Gia Tông và là người viết tựa cho sách ấy.
Giám khảo trong các kỳ thi xưa. |
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại nội dung câu chuyện này như sau: Năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Sách Tuân được Tham tụng Lê Hy gửi gắm nhờ giúp đỡ con trai thi trường ấy.
Trong kỳ thi đó con của Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ. Đề điệu trường thi (chủ khảo kỳ thi) là Phó đô ngự sử Ngô Hải phát hiện, hứa sẽ giấu kín chuyện, nhưng quan Tham chính là Phan Tự Cường lại phát giác và tâu lên chúa Trịnh.
Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (phải thắt cổ mà chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.
Một vụ gian lận khác xảy ra cuối triều Lê, đời vua Lê Hiển Tông. Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784), là Tri binh phiên trong phủ Chúa, cai quản toàn bộ vấn đề quân sự của cả nước, đã ép học trò là Đinh Thì Trung (quê Đông Sơn, Thanh Hóa) đổi bài thi cho con là Lê Quý Kiệt trong kỳ thi Hội năm 1775. Nhờ đó, Quý Kiệt đỗ Thủ khoa.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng cho biết, chúa Trịnh Sâm không tin kết quả này vì biết Đinh Thì Trung học giỏi nổi tiếng thần đồng, 14 tuổi đã thi đỗ Hương cống, nên cho duyệt lại văn bài, khám phá ra nét chữ của người này trong quyển thi của người kia.
Vụ này đem ra xử, Đinh Thì Trung bị kết phải tội lưu đi Yên Quảng (nay thuộc Quảng Ninh), Quý Kiệt bị giam cấm ở ngục Cửa Đông rồi bắt phải trở về làm dân. Tuy nhiên do Lê Quý Đôn là bậc đại thần, nên không bị xét tội. Sự thiên vị này khiến sử quan nhà Nguyễn phải nhận xét trong Cương mục: “Hai người cùng một tội mà xử phạt khác nhau, sao có thể gọi là công bằng được? Xét hành trạng của Quý Đôn, không có một điều gì đáng khen”.
Những kết quả thi sai lệch bất thường
Thời xưa cũng có những vụ kết quả thi cử sai lệch bất thường, như khoa thi đời vua Lê Dụ Tông năm 1726, trong kỳ thi Hương, có nhiều thí sinh học kém nhưng là con nhà quyền thế, nhờ người "gà" văn nên được đỗ Hương cống. Dân chúng bàn tán xôn xao. Cương mục cho biết, Chúa An Đô Vương Trịnh Cương bắt phải thi lại. Kết quả là có 28 công tử nhà giàu bị trượt, và bị giao xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng.
Tranh vẽ cảnh trường thi xưa. |
Ngoài ra, cũng có những vụ phủ chúa công khai tổ chức bán học vị, khiến dân chúng chế diễu những người thi đỗ là "Sinh đồ ba quan", đến nỗi triều đình phải bắt thi lại ít nhất hai lần trên bãi sông Hồng. Đó là sự kiện 1750, kho quỹ thiếu hụt, chúa Trịnh Doanh nghe theo kế hoạch làm tiền của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, không theo lệ thi Hạch cũ mà cho phép học sinh 10 tuổi trở lên hễ ai nộp ba quan tiền gọi là "tiền thông kinh" (thuộc kinh sách) đều được đi thi. Những người không có học nhưng muốn có một chút danh không ngại bỏ tiền thuê người thi hộ, có những đứa trẻ cũng đỗ tam trường, do đó người ta mới gọi giễu là "Sinh đồ ba quan".
Từ đầu triều Nguyễn, đã có luật cấm các quan chấm thi đem giấy có chữ và mực đen vào trường thi, vì sợ sửa bài cho học trò. Năm 1876, Phúc khảo Đặng Huy Hoán vì mang hộp mực đen vào trường mà bị phạt 100 trượng và bị cách chức về quê. Giám sát, Giám khảo tâu hạch đều được thưởng.
Thế nên trong vụ Cao Bá Quát và Phan Nhạ, sơ khảo trường thi Thừa Thiên năm 1841, để nâng đỡ cho 24 thí sinh làm bài tốt nhưng viết chữ phạm húy, đã lấy muội đèn làm mực. Sự việc bị phát giác, cả Cao Bá Quát và Phan Nhạ đều bị xử án “giảo giam hậu” sau khi giam 3 năm hạ xuống thành “dương trình hiệu lực”, tức làm phục dịch ở các tàu đi công cán nước ngoài.
Các kỳ thi xưa có ý nghĩa rất quan trọng để tuyển chọn quan chức. Tranh Đông Hồ miêu tả cảnh vinh quy bái tổ, những người đổ đạt cao trở về vinh hiển bái tổ tiên, ra mắt họ hàng, làng xóm. |
Cũng trong khoa thi này, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu làm Phân khảo ở ngoại trường, đã lấy đỗ Trương Đăng Trinh, cháu Đại thần Trương Đăng Quế, người bị đánh hỏng kỳ hai ở nội trường. Việc bị tố cáo, Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, sau đổi xuống còn bãi chức nhưng đến đời vua Tự Đức lại được trọng dụng.
Bộ sử Đại Nam thực lục cũng chép vụ việc nâng đỡ thí sinh năm 1834, ở trường thi trường Nghệ An, có thí sinh Nguyễn Văn Giao làm bài thi bị xếp hạng liệt, Nguyễn Thái Đễ hạng Tú tài nhưng có tiếng là danh sĩ.
Chủ khảo Nguyễn Tú lấy thêm vào hàng Cử nhân, đổi mặt quyển, phê lại nhưng bị Bộ Lễ phát hiện tâu lên. Vua ghét làm rối loạn quy luật trường thi sai biền binh truyền chỉ cách chức, bắt Tú và Ngạn xiềng lại giải về kinh.
Tú bị tội trảm giam hậu (giam lại đợi ngày hành quyết) Ngạn là tòng phạm chỉ bị xử tội lưu. Giám khảo Nguyễn Duy Hựu, Giám sát Trương Tăng Diễn phải tội đồ, những người khác bị giáng chức, Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Thái Đễ vì nghe quan trường viết lại quyển, bị phải 100 trượng, cho về làm dân, suốt đời không được thi nữa.