Triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật” khai mạc chiều tối 20/7 tại Hà Nội. 52 tác phẩm của 10 nhiếp ảnh gia được trưng bày tại triển lãm. Đây là lần đầu tiên, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện một triển lãm chuyên đề ảnh nude, với quy mô tuyển chọn từ các tác giả trên toàn quốc.
Trước khi triển lãm này diễn ra, bản thân trong đơn vị cấp phép, thực hiện là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng có những ý kiến trái chiều. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - kể câu chuyện thực hiện chương trình, nhận thức về thể loại ảnh nude nghệ thuật ở nước ta.
Ông Vi Kiến Thành (đứng) trong buổi họp trước giờ khai mạc triển lãm. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ảnh nude nghệ thuật không phải đề tài mới
- Đây là lần đầu tiên Cục thực hiện triển lãm ảnh nude nghệ thuật. Việc cấp phép cho triển lãm có khó khăn gì không?
- Triển lãm này do Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật nhiếp ảnh xin phép tổ chức. Cục căn cứ kết quả tuyển chọn và tác phẩm trong hồ sơ gửi đến, thấy nó hợp thức về quy định, đúng theo nghị định 72 thì Cục cấp phép, điều này không có trở ngại gì cả.
- Triển lãm này đưa ra đông đảo công chúng thưởng lãm, ông có nhận xét gì về nhận thức của công chúng với thể loại ảnh nude nghệ thuật hiện nay?
- Với số đông công chúng, những gì mới, hoặc có sự thay đổi trong đời sống văn hóa, đương nhiên cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đó là điều bình thường thôi.
- Nhưng ảnh nude nghệ thuật có phải là thể loại mới trong đời sống nghệ thuật nước ta hay không?
- Không. Thời gian qua ảnh nude nghệ thuật vẫn được người ta chọn, trưng bày trong rải rác các triển lãm chung với những ảnh đề tài, thể loại khác. Cái thiếu là thiếu những triển lãm chuyên đề chuyên về ảnh nude như thế này thôi.
Còn ảnh nude vẫn được sáng tạo, tuyển chọn, trưng bày trong những triển lãm ảnh nghệ thuật từ xưa tới nay. Ví dụ trong một triển lãm có 200 - 300 tác phẩm đủ mọi đề tài, thì có vài ba tác phẩm ảnh nude, nên mọi người không chú ý tới, còn việc trưng bày, giới thiệu vẫn có.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. |
- Vậy khi trưng bày thành một chuyên đề chung thế này, triển lãm có tác động gì?
- Điều này thì chúng tôi để xã hội đánh giá. Chúng tôi là đơn vị tổ chức, chẳng lẽ lại tự nói về mình.
- Ông có nói khi chuẩn bị triển lãm, trong nội bộ Cục có ý kiến khác nhau, ông có thể kể lại câu chuyện chuẩn bị triển lãm này?
- Từ lúc có chủ trương thực hiện triển lãm, trao đổi với tác giả, mời tác giả, tác giả gửi ảnh, rồi chúng tôi tuyển chọn, trưng bày, đó là một quy trình hoàn toàn bình thường như bao triển lãm khác. Nó diễn ra trong khoảng 3 tháng.
Còn việc trong nội bộ Cục có ý kiến khác nhau, tôi cho cũng là bình thường. Đặc biệt với những vấn đề còn mới, mang tính thay đổi đều gặp nhiều ý kiến trái chiều. Ý kiến trái chiều gần như không tránh được.
Ảnh nude ca ngợi vẻ đẹp tạo hóa, hướng thiện, nhân văn
- Có nghệ sĩ cho biết trong quá trình sáng tạo ảnh nude nghệ thuật, người nghệ sĩ vẫn vấp phải những định kiến xung quanh, coi hoạt động đó như “dâm ô”, “đồi trụy”. Ông nghĩ sao về những ý kiến như vậy?
- Đấy là những định kiến không đúng. Bởi, trong thực tế cũng có những chuyện này chuyện kia, nhưng ta cần xác định chuyện nào ra chuyện ấy. Nhiếp ảnh gia nghệ thuật theo đuổi con đường sáng tạo ảnh nude thì đều có mục đích mong muốn là ca ngợi vẻ đẹp tạo hóa, cũng hướng thiện nhân văn, chứ không có mục đích khác.
Chẳng qua xã hội có nhiều người say mê xem những ảnh trôi nổi trên mạng, rồi cứ mặc định trong đầu rằng: “À, ảnh nude nghệ thuật nó là thế này, thế kia”. Rồi họ cứ nghĩ ảnh nude nó xấu xa, đồi trụy như những thứ đã xem trên Internet. Điều đó khá tiêu cực.
Nên triển lãm này cần làm để cho người xem, những người đến triển lãm này xem họ sẽ hiểu: à, như thế này là ảnh nude nghệ thuật. Còn những người hàng ngày xem trên mạng, chưa chắc đã biết thế nào là nghệ thuật.
Khán giả xem triển lãm "Ảnh nude nghệ thuật" tối 20/7. Ảnh: Phạm Thắng |
- Vậy đâu là ranh giới giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh phi nghệ thuật?
- Ranh giới nằm ở cảm nhận, nhận thức của người xem. Người xem bên cạnh kiến thức, họ phải tin vào các nhà chuyên môn. Những người chuyên nghiên cứu, sáng tạo thể loại này họ có kiến thức, hiểu biết về thể loại, đồng thời định hướng. Không nên sa vào tình trạng chẳng ai tin ai cả, ai cũng cho rằng ý kiến của mình đúng, thì rất khó để có nhận thức tốt về nghệ thuật.
- Dưới góc độ quản lý nghệ thuật nhiếp ảnh, triển lãm, ông thấy chất lượng ảnh nude nghệ thuật Việt Nam như thế nào?
- Trước hết, chúng ta không có nhiều người theo đuổi ảnh nude nghệ thuật đâu. Trong giới nghệ sĩ, có hàng nghìn hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Trong số hàng nghìn ấy, có hàng trăm người chụp ảnh nude nhưng chụp không nhiều, có thể hai, ba bộ ảnh nào đó thôi.
Những người chụp nhiều, cả đời theo đuổi thể loại này thì không nhiều.
Còn về ảnh nude nghệ thuật, trong suốt thời gian theo đuổi, anh em sáng tác nhưng không được cọ sát, công bố. Mà trong nghệ thuật cần cọ sát, cần cạnh tranh lành mạnh, anh làm được gì mới, người kia có gì mới để thúc đẩy nhau sáng tạo. Vì anh em trong thời gian dài sáng tác mà ít được công bố, nên về mặt nghệ thuật, đang là bước đi đầu tiên.
Trong triển lãm này, có nhiều người có tìm tòi, sáng tạo nhất định, đặc biệt là về bố cục, xử lý ánh sáng. Nhiếp ảnh là nghệ thuật ánh sáng, nhiều tác giả đã xử lý ánh sáng tốt. Nhưng số người này không nhiều. Vẫn có những người có sao chụp vậy, chưa áp đặt quan niệm, tư duy tạo hình, quan niệm nghệ thuật ánh sáng vào tác phẩm.
- Khoảng một tháng trước, khi thông tin triển lãm này được đưa ra, có ý kiến cho rằng đây là bước “cởi trói” cho ảnh nude nghệ thuật. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Nói là “cởi trói” cũng có phần giật gân, tôi nghĩ không nên dùng từ đó. Ở đây, nó như là tháo một nút thắt trong hoạt động sáng tạo ảnh nude của anh em theo đuổi thể loại nghệ thuật này.
Tháo một nút thắt để người ta cảm thấy ảnh nude đã được xã hội công nhận, nó như hình thức, nội dung bình đẳng với các thể loại khác. Nói như vậy hợp lý hơn.