Cảnh tan hoang, đổ nát sau 8 ngày lũ lịch sử quét qua
Thứ bảy, 24/12/2016 10:40 (GMT+7)
10:40 24/12/2016
Lũ lịch sử giật sập nhà, vợ chồng chị Hương cùng ba con (hai bé trai sinh đôi 5 tháng tuổi, ngụ Bình Định) ở giữa không gian đổ nát chờ địa phương cấp đất tái định cư đến nơi mới.
Lũ dữ quét qua cuốn trôi làm sập đổ cùng lúc 11 ngôi nhà ở thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ngày 24/12, trong lúc người dân ở các vùng miền cả nước đón Noel đầm ấm thì hàng nghìn người dân Bình Định đối mặt với cuộc sống khốn khó, tạm bợ trong nhà đổ nát hoặc nương nhờ bà con lối xóm sau mưa lũ lịch sử.
Mưa lũ ồ ạt tràn về, anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) vơ vội vài bộ quần áo đưa vợ cùng các con chạy lũ. "Tránh lũ trở về, tôi sốc nặng trước cảnh tượng nhà cửa sụp đổ trống hoác, nước xiết cuốn trôi sạch tài sản và hai ao tôm thẻ chân trắng sắp đến ngày thu hoạch", anh Tuấn buồn bã nói.
Lũ rút, vợ chồng anh Tuấn cùng các con bé trai sinh đôi Nguyễn Minh Huy, Nguyễn Minh Hoàng (5 tháng tuổi) và Nguyễn Thanh Tú (9 tuổi) ở trong nhà đổ nát nguy hiểm. Anh Tuấn lý giải, do một phần căn nhà còn lại nứt toác chật hẹp nên hai bé song sinh được cha mẹ để ngủ tạm trên giường xếp.
Chị Nguyễn Thị Hương (vợ anh Tuấn) cho biết thêm lũ biến hàng chục mét đường của làng chài thành sông sâu nên sau 8 ngày lũ rút, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn còn chịu cảnh cô lập. "Biết ở trong nhà sập đổ thế này là nguy hiểm nhưng do hai con trai mới chào đời vài tháng hay khóc đêm mà đến ở nhờ nhà người khác thì bất tiện. Vợ chồng tôi đành bám trụ lại nơi đây chờ Nhà nước cấp đất tái định cư đến nơi ở mới", chị Hương bộc bạch.
Cha mẹ tất bật dọn dẹp sau lũ, bé gái ngồi co ro bên ngôi nhà đổ nát ở xóm Xuyên Cỏ (thôn An Xuyên 3). Ông Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3, cho hay đợt lũ làm sập hoàn toàn cùng lúc 11 nhà dân. "Hầu hết người dân nơi đây sống dựa vào nghề nuôi trồng thủy sản nhưng hiện nay ao, hồ đã bị nước xiết phá tan hoang gây mất trắng. Nhà sập, thủy sản trôi hết không biết đến khi nào bà con mới khôi phục lại được. Nguy cơ tái nghèo của người dân làng chài rất lớn", ông Sơn lo lắng.
Những cây dừa đổ rạp nằm dưới nước bên ngôi nhà bị lũ tàn phá tan hoang. Ông Nguyễn Minh Kiều (ngụ thôn An Xuyên 3, 50 tuổi), sống ở đây từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ thấy trận lũ nào khủng khiếp như vậy. "Tích tắc 11 nhà dân kiên cố bị lũ càn quét gây sập đổ tan hoang hệt như cảnh tượng sau cơn sóng thần", ông Kiều cho hay.
Hai vợ chồng ông Phan Văn Long và bà Phạm Thị Lâm dọn dẹp kệ sách của con lẫn trong đống gạch đổ nát. "Nhà sập nên vợ chồng tôi kê tạm vài tấm tôn sau nhà làm lều để các thành viên gia đình ngủ tạm qua đêm. Hai ao tôm trôi hết mất sạch vốn liếng, giờ chúng tôi chưa biết làm gì để sống. Sách vở của con bị chìm hết trong nước nên giờ chúng đến trường học tập gặp nhiều khó khăn", bà Lâm than thở.
Bà Trần Thị Tứ (67 tuổi, ngụ thôn An Xuyên 3) thẫn thờ bên bến sông. "Chạy lũ trở về thì vợ chồng tôi không thể tin nổi nhà mình bị xóa sổ không còn dấu tích gì. Những ngày qua phải tá túc ở nhờ nhà hàng xóm trong thôn, ăn tạm mì tôm qua ngày do địa phương cùng các nhà hảo tâm cứu trợ", bà Tứ nói.
Cây cối ngã đổ còn bám đầy rác bên những ngôi nhà sập tạo nên cảnh tượng thê thảm ở xóm Xuyên Cỏ.
Hơn 40 m đường của làng chài Xuyên Cỏ bỗng chốc biến thành sông sâu. Ngày 24/12, hàng trăm người dân ở thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh) vẫn còn bị cô lập phải đi lại bằng ghe.
Nhiều ngày qua, phụ huynh phải chèo thúng đưa hàng chục trẻ em nơi đây vượt "dòng sông mới" chảy xiết nguy hiểm cắt ngang làng chài đến trường.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ, địa phương đang lập phương án bố trí cấp đất tái định cư để 14 hộ dân có nhà bị sập ở thôn An Xuyên 3 và Lương Thái (xã Mỹ Chánh) xây lại nhà ở. Các hộ dân ở thôn An Xuyên 3 sẽ được tái định cư ở thôn An Xuyên 1; còn ba hộ dân ở Lương Thái được cấp đất xây nhà ở vùng đất cao ở thôn này.
Ngoài 50 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình của tỉnh, huyện đang huy động thêm nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội, đảm bảo mỗi hộ có ít nhất 100 triệu đồng để xây lại nhà cửa sớm ổn định cuộc sống trước Tết Nguyên đán 2017.
Sáng 21/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát, nắm tình hình và thăm hỏi đời sống của người dân vùng bị ngập lũ tại tỉnh Bình Định.
Dù lũ rút, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu cảnh giác thảm họa thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản như vụ lở núi ở Khánh Hòa, khiến 4 người chết.