Cảnh sát Myanmar đã bắn hơi cay, lựu đạn gây choáng và bắn chỉ thiên bằng đạn thật nhằm nỗ lực dập tắt một cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền dân cử. Đây được xem là cuộc trấn áp quy mô nhất ở Myanmar kể từ khi quân đội nắm chính quyền, tờ Guardian nhận định.
Theo hãng tin AFP, ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ nói trên, trong đó có 3 người đàn ông đến từ thị trấn Dawei thuộc miền Nam Myanmar và một người đàn ông ở thành phố Yangon. Truyền thông địa phương cũng ghi nhận khoảng 20 trường hợp bị thương đến từ khu vực Dawei.
Đội ngũ nhân viên y tế ở Yangon tham gia biểu tình đã phải quay lại làm việc để cấp cứu và chữa trị cho các nạn nhân.
Một bó hoa được đặt lên thi thể người đàn ông thiệt mạng trong đám đông biểu tình ở Dawei hôm 28/2. Ảnh: Reuters. |
Một đoạn phim được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh những người biểu tình ở Yangon bị thương và chảy máu đầm đìa được đưa đến nơi an toàn, trong đó có một người đàn ông nằm bất động bên lề đường, không rõ có trúng đạn hay không.
Truyền thông Myanmar đưa tin cảnh sát đã sử dụng đạn thật ở Hledan Junction và ở thị trấn Thaketa nằm ở phía đông thành phố Yangon.
"Niềm tin duy nhất"
Tại một điểm nóng khác ở trung tâm thành phố Yangon, cảnh sát đã bắn hơi cay vào một đám đông 10.000 người biểu tình.
"Chúng tôi tham gia cuộc tuần hành của các kỹ sư", một người biểu tình trú ẩn trong nhà dân cho biết. "Cảnh sát bắt đầu bắn hơi cay vào chúng tôi từ khoảng 9h. Chúng tôi tản ra các hướng khác nhau. Giờ tôi không biết phải làm gì nên sẽ đợi ở đây một thời gian xem sao. Tình hình thực sự tồi tệ".
Cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông biểu tình ở thành phố Yangon. Ảnh: Getty. |
Theo đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV, hơn 470 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình hôm 27/2.
Vào ngày 28/2, người dân Myanmar tiếp tục xuống đường và tập hợp vật dụng trên đường như thùng rác để xây thành các rào chắn tạm thời nhằm chống cảnh sát. Trên đống gạch vụn được sử dụng để bịt kín một con đường, những người biểu tình đã đặt một tấm áp phích của bà Aung San Suu Kyi với dòng chữ: "Bà ấy là niềm tin duy nhất của chúng tôi".
Trấn áp quyết liệt
Một giáo viên ở Yangon cho biết cô thức dậy với tin nhắn từ các học sinh của mình nói lời tạm biệt phòng trường hợp họ thiệt mạng trong lúc biểu tình. "Một người đã nhắn tin cho tôi và cảm ơn sự ủng hộ của tôi trong những năm qua, kết thúc bằng câu 'chúng em yêu cô, tạm biệt cô' trong khi cảnh sát bắt đầu nổ súng", cô kể lại.
Cô ấy nói thêm rằng một người bạn bác sĩ đã nghỉ hưu của mình quyết định "mặc lại chiếc áo blouse trắng của cô ấy để sát cánh cùng các bác sĩ khác chạy chữa cho những người biểu tình bị thương".
Người biểu tình ở Myanmar dựng rào chắn để ngăn cảnh sát trấn áp cuộc tuần hành. Ảnh: Getty. |
Quân đội Myanmar đã đối mặt với sự phản đối dữ dội của công chúng sau khi tiến hành binh biến để tước quyền lực từ chính phủ dân cử. Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều thành viên cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia Dân chủ (NLD) đã bị bắt.
Chính quyền mới đã hứa sẽ tổ chức bầu cử trong vòng một năm. Tuy nhiên, những người biểu tình không tin vào cam kết này và đã yêu cầu trả tự do cho các lãnh đạo dân cử của họ.
Trong ba tuần qua, các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp Myanmar, từ thành thị đến nông thôn, có thời điểm hàng trăm nghìn người xuống đường. Trong khi đó, một cuộc đình công toàn quốc, thu hút sự ủng hộ của các bác sĩ, kỹ sư, công nhân đường sắt và nông dân, đã đưa đất nước vào tình trạng bế tắc và làm tê liệt chính quyền quân sự.
Vào tối 26/2, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun đã có một bài phát biểu đầy xúc động, kêu gọi sự chung tay của quốc tế để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar và bảo vệ người dân. Đến tối 27/2, đài truyền hình MRTV thông báo ông Kyaw Moe Tun đã bị cách chức, tuyên bố rằng ông đã lạm dụng quyền lực và có những hành vi sai trái do không tuân theo chỉ thị của chính phủ.
Aung San Suu Kyi đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi cuộc binh biến bắt đầu và luật sư của bà cho biết ông không thể gặp bà. Bà bị cáo buộc đã "nhập khẩu và sử dụng không phép" 6 thiết bị liên lạc cầm tay (bộ đàm). Phiên tòa tiếp theo của bà Suu Kyi dự kiến được tổ chức vào ngày 1/3. Nếu bị kết tội, bà có thể bị cấm tranh cử trong tương lai.