Theo Reuters, 2 người biểu tình đã thiệt mạng trong ngày 28/2 sau khi cảnh sát nổ súng. Một số người khác bị thương trong các vụ đụng độ cùng ngày.
Chính trị gia Kyaw Min Htike cho biết cảnh sát đã nổ súng khi trấn áp người biểu tình ở thị trấn Dawei, khiến một người thiệt mạng và một vài người khác bị thương. Hãng tin Dawei Watch đưa thông tin tương tự.
Cảnh sát cũng nổ súng ở thành phố Yangon. Một người đàn ông trúng đạn ngay ngực. Ông qua đời sau khi được đưa vào bệnh viện, theo tiết lộ của bác sĩ tại bệnh viện địa phương với hãng tin Mizzima.
Nhân viên y tế sơ cứu một người biểu tình trúng đạn ở Dawei vào ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự đã kéo dài nhiều tuần qua. Người biểu tình không chấp nhận để quân đội nắm quyền sau cuộc chính biến ngày 1/2, yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và khôi phục chính quyền dân cử.
Hình ảnh do truyền thông địa phương đăng tải cho thấy nhiều người bị thương nặng được giúp sơ tán khỏi khu vực biểu tình. Truyền thông địa phương cũng khẳng định đã xảy ra bắn đạn thật.
Hãng tin Myanmar Now thông báo có những trường hợp "bị bắn", nhưng không nêu cụ thể vụ việc. Một số nhân chứng khẳng định cảnh sát có sử dụng lựu đạn gây choáng, hơi cay và bắn chỉ thiên đe dọa người biểu tình.
"Cảnh sát rời xe và nhanh chóng ném lựu đạn gây choáng, không một lời cảnh báo", Hayman May Hninsi, một giáo viên tham gia biểu tình cùng đồng nghiệp ở Yangon, chia sẻ.
"Một số giáo viên bị thương khi bỏ chạy", người này cho biết.
Một đoạn video được chia sẻ trên truyền thông cho thấy cảnh sát còn ném lựu đạn gây choáng vào một nhóm biểu tình ngay trước trường y của thành phố, buộc bác sĩ cùng sinh viên tháo chạy.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, lực lượng chức năng dùng đạn thật để bắn chỉ thiên. Một bác sĩ cho biết cảnh sát đã bao vây y bác sĩ tham gia biểu tình trong bệnh viện thành phố.
Myanmar Now đăng tải hình ảnh cảnh sát dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng giải tán biểu tình ở Yangon sáng 28/2. Ảnh: Reuters. |
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội lẫn chính quyền quân sự đương nhiệm, thời gian qua một mực khẳng định lực lượng chức năng hạn chế vũ lực ở mức thấp nhất để giải tán biểu tình.
Các vụ đụng độ đã dẫn đến ít nhất 5 trường hợp người biểu tình thiệt mạng. Quân đội Myanmar cũng xác nhận một trường hợp cảnh sát bị sát hại.
Đài MRTV thông báo hơn 470 người đã bị bắt giữ riêng trong ngày 27/2. Hãng tin thân quân đội cũng khẳng định lực lượng chức năng có phát cảnh báo trước khi sử dụng vũ lực và lựu đạn gây choáng.
Căng thẳng leo thang nghiêm trọng sau khi chính quyền đương nhiệm chính thức hủy kết quả tổng tuyển cử tháng 11/2020, không công nhận chiến thắng cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Quân đội cam kết tổ chức bầu cử lại nhưng chưa ấn định thời điểm cụ thể.
Myanmar vẫn được đặt dưới tình trạng khẩn cấp kéo dài đến năm 2022. Toàn bộ quyền lực nằm trong tay quân đội.