- Người dân Hong Kong tiếp tục xuống đường biểu tình hôm 12/6 để phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong đến những nơi khác, bao gồm Trung Quốc đại lục.
- Đây là lần xuống đường thứ hai sau cuộc tuần hành biến thành bạo lực hôm 9/6, ước tính đã thu hút hơn một triệu người tham gia.
- Buổi họp của Hội đồng Lập pháp về dự luật này đã bị hoãn. Ngày họp mới chưa được thông báo.
-
“Cần rút lại dự luật để tránh bạo lực”
Cheng Chung-tai, thành viên Hội đồng Lập pháp từ đảng Civic Passion, cho biết cuộc họp hội đồng hôm nay bị hoãn do “vấn đề giao thông”.
“Tôi nghĩ hoãn họp là do vấn đề giao thông. Vì về lý mà nói, nếu chính quyền nhất quyết đẩy dự luật cho hội đồng, hội đồng buộc phải họp bàn về dự luật. Vì vậy, để tránh thêm các cuộc biểu tình và leo thang bạo lực, chính quyền cần rút lại dự luật”.
Brian Chan, 23 tuổi, sinh viên mới ra trường, trúng hơi cay từ cảnh sát và được đưa vào chữa trị ở trạm sơ cứu vừa được dựng lên bởi các sinh viên ngành y gần khu vực biểu tình.
“Chúng tôi không muốn bạo lực, và bạo lực là sai, nhưng nếu chính quyền vẫn bỏ qua nguyện vọng của chúng tôi, chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng leo thang”, anh nói, và không giải thích cụ thể leo thang như thế nào.
Sunny Chan, 18 tuổi, đến biểu tình vì cho rằng chính quyền không chú ý đến cuộc biểu tình lớn ngày 9/6, với hơn một triệu người tuần hành chống lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
“Tôi nghĩ điều này là không thể chấp nhận được và chúng tôi rất buồn và tức giận. Vì vậy, chúng tôi ra ngoài hôm nay... để bảo vệ tự do của mình".
Trong ảnh của SCMP, Cheng Chung-tai đến trụ sở Hội đồng Lập pháp năm 2017.
-
Đi làm đi bên trái, biểu tình đi bên phải
CNN nhận định biểu tình ở Hong Kong có cách tổ chức tốt, với các tình nguyện viên cung cấp thực phẩm, nước, thuốc men, thậm chí dịch vụ phiên dịch cho báo chí quốc tế.
Biểu tình hôm nay cũng tương tự: Trong ảnh, hai thanh niên đứng trên cao đang phân luồng người đi bộ. “Những ai đi làm đi bên trái, những ai đến giúp (biểu tình) đi bên phải. Không ngăn cản những người đang cố đến cơ quan”.
Ảnh: Twitter
-
Hoãn họp Hội đồng Lập pháp
Trong thông cáo đăng trên website, Hội đồng Lập pháp Hong Kong cho biết cuộc họp dự kiến diễn ra lúc 11h “sẽ thay đổi lịch sang một thời điểm khác do (chủ tịch) hội đồng quyết định”.
Theo lịch trước đó, đây sẽ là cuộc họp bàn thảo thêm về dự luật dẫn độ đang gây tranh cãi và biểu tình ở Hong Kong. Trong ảnh là trụ sở Hội đồng Lập pháp (LegCo) Hong Kong.
Ảnh: Wikimedia Commons.
-
'Có thêm mũ bảo hiểm cho người đứng đầu hàng không?'
Người biểu tình dường như đang dự đoán tình hình sẽ trở nên bạo lực. Theo Guardian, các tình nguyện viên tiếp tục phân phát màng bọc, ô, nước, và mọi người đang hỏi nhau: “Có thêm mũ bảo hiểm cho người đứng đầu hàng không?”.
Cuộc biểu tình hôm 9/6 ban đầu diễn ra ôn hòa nhưng cuối cùng đã chuyển thành bạo lực.
Ảnh: Twitter.
-
Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay
Người biểu tình nói với Guardian rằng họ vừa bị cảnh sát xịt hơi cay.
Trước đó, SCMP cho biết người biểu tình mở ô và cuốn một lớp bọc quanh cánh tay để bảo vệ mình khỏi hơi cay.
Một bức ảnh khác của AFP cho thấy cảnh sát xịt vòi rồng vào một người biểu tình gần trụ sở chính quyền.
-
Ảnh: South China Morning Post.
-
Người biểu tình gỡ gạch khỏi vỉa hè
Người biểu tình đang kêu gọi nhau hãy xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp qua lối vào phía đông. Tại lối ra phía đông của đường hầm Lung Wo, những người biểu tình đang rút những viên gạch khỏi vỉa hè.
Chính quyền tuyên bố trong một thông cáo rằng tất cả lối vào văn phòng chính quyền ở khu Admiralty đều bị đóng cửa, do tắc nghẽn nghiêm trọng. Chính quyền cũng thông báo các công chức không cần đến cơ quan, và những ai đã bên trong hãy ở yên tại chỗ.
Ảnh: South China Morning Post.
-
'Không giải tán, chúng tôi sẽ bắn'
Trước đó, cảnh sát Hong Kong ra tuyên bố ngắn và đăng video trên Facebook kêu gọi người biểu tình giải tán, và cảnh báo sẽ dùng “vũ lực nếu cần thiết”.
Họ xác nhận đường Lung Wo đã bị người dân chặn lại. “Tôi nhắc lại đây không phải là chiến dịch giải tán đám đông, mà là giải cứu những người bị mắc kẹt”, người phát ngôn cảnh sát cho biết.
Song SCMP đưa tin rằng trước đó, một lá cờ màu da cam được cảnh sát giương lên có chữ “Không giải tán, chúng tôi sẽ bắn” trên đại lộ Tim Mei, khiến người biểu tình giận dữ. Một số người biểu tình tiếp tục đẩy hàng rào.
-
Các nhà lập pháp không tới được văn phòng
Thành viên Hội đồng Lập pháp Eddie Chu Hoi-Dick, thuộc phe đối lập, xuất hiện và cổ vũ đám đông. Phát biểu với báo chí, ông chỉ trích lãnh đạo Carrie Lam vì không lắng nghe tiếng nói của người dân.
Ông kêu gọi bà Lam rút ngay dự luật. "Các nhà lập pháp không tới được văn phòng. Tôi sẽ thúc giục Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Andrew Leung hủy bỏ cuộc họp 11h sáng nay", ông Chu nói.
"Bà Lam không nên sử dụng hơi cay hoặc đạn cao su để đàn áp người biểu tình ở đây”.
-
Biểu tình thu hút người trẻ
Một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, cuốn nylon quanh cánh tay để chống lại hơi cay, nói anh đã chuẩn bị cho khả năng đụng độ với cảnh sát.
“Nếu mọi người tiếp tục biểu tình, tôi sẽ ủng hộ”, anh nói. Lúc 5h sáng, hàng trăm người đã tập trung ở đại lộ Tim Mei bên ngoài Hội đồng Lập pháp. Một số người hát thánh ca, số khác ngồi im lặng. Công viên Tamar tập trung nhiều người hơn, bao gồm những người tình nguyện phân phát mặt nạ, áo mưa, thức ăn nhẹ và nước. Một số người khác dọn dẹp rác trong công viên. Số người ngày càng đông hơn khi mặt trời lên, họ bắt những chuyến xe buýt và xe lửa đầu tiên của buổi sáng. Một cô gái đến lúc 7h sáng, nói rằng cô đọc về cuộc biểu tình trên mạng xã hội vào tối 11/6. Khi được hỏi có hy vọng gì về cuộc biểu tình, cô nói: “Kịch bản tốt nhất sẽ là các quan chức rút lại dự luật”. Ảnh: Reuters.
-
Đặc khu trưởng Hong Kong bị dọa giết
Trước đó, một số người đã dọa giết bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, cũng như lãnh đạo cơ quan tư pháp của đặc khu cùng gia đình họ, nếu dự luật dẫn độ không được hủy bỏ trong vòng 24 giờ, theo South China Morning Post.
Công đoàn Giáo viên Hong Kong đã kêu gọi các hiệu trưởng cho phép giáo viên tham gia biểu tình trong ngày 12/6, và cho biết sẽ tính khả năng bãi công.
Hơn 100 nhà hàng, cửa tiệm tuyên bố sẽ đóng cửa ngày 12/6 để nhân viên đi biểu tình bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp. Hơn 2.000 nhân viên làm trong ngành công tác xã hội, tư vấn tâm lý từ 50 tổ chức dân sự và tôn giáo đã tuyên bố đình công ngày 12/6.
-
Người biểu tình mang sẵn đồ bảo hộ
Hàng nghìn người biểu tình, chủ yếu là người trẻ, trước đó đã tập trung tại công viên sau lời kêu gọi trên mạng. Cuộc biểu tình tương đối ôn hòa, nhưng nhiều người mang sẵn đồ bảo hộ như mặt nạ và kính. Một số tình nguyện viên tự lập các nhóm sơ cứu trong trường hợp xảy ra bạo lực.
Cảnh sát chống bạo động được trang bị khiên, mũ bảo hiểm, súng trường và dùi cui đứng ngay cạnh hàng rào.
-
Biểu tình tiếp diễn
Những người biểu tình, vốn đã cắm trại qua đêm tại Công viên Tamar, bắt đầu chặn đường vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong từ sáng 12/6. Trong ngày, dự luật dẫn độ gây tranh cãi của chính quyền dự kiến tiếp tục được các nhà lập pháp đem ra bàn thảo, theo South China Morning Post.
Người biểu tình chiếm đại lộ Tim Mei và Tim Wa thuộc khu Admiralty của thành phố, cũng như bắt đầu đặt hàng rào kim loại để chặn đường Lung Wo.
Trước đó, hơn một triệu người xuống đường hôm 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ, theo những người tổ chức biểu tình. Dự luật cho phép Hong Kong dẫn độ nghi phạm đến các quốc gia và vùng lãnh thổ không có thỏa thuận tương trợ tư pháp với Hong Kong, bao gồm Trung Quốc đại lục.