Nhân chứng cùng các nạn nhân sống sót sau vụ đám đông chèn ép gây chết hơn 150 người ở Itaewon vào tối 29/10 đã đưa ra nhiều khẳng định về nguyên nhân thảm kịch, theo Yonhap ngày 1/11.
Trong đó, một giả thuyết trung tâm cho rằng một số người ở phía trên con hẻm dốc đã hét “đẩy đi, đẩy đi” rồi thúc người khác, từ đó gây ra vụ chèn ép chết người. Theo Yonhap, giả thuyết này được bắt nguồn từ mạng xã hội và các bài phỏng vấn trên báo chí.
Một cáo buộc khác cho rằng đám đông khổng lồ tràn vào con hẻm hẹp để nhìn một người nổi tiếng đang ghé thăm khu vực ấy.
Theo quan chức cảnh sát, nhà chức trách đang điều tra những lời khẳng định trên, nhưng hiện họ chưa phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Nam Gu Jun, Giám đốc Văn phòng Điều tra Quốc gia, cho biết để xác định nguyên nhân, đội điều tra đặc biệt gồm 475 người tính tới ngày 31/10 đã phỏng vấn 44 nhân chứng và trích xuất 52 đoạn băng ghi hình ở 42 địa điểm xung quanh hiện trường.
Video được đăng tải trên mạng xã hội cũng thuộc diện được xem xét, ông Nam Gu Jun nói.
Một số người sống sót cũng khẳng định chủ các cửa hàng dọc con hẻm tử thần đã chặn lối vào khi bắt gặp người đang chạy trốn khỏi đám đông. Tuy nhiên, theo Yonhap, các chuyên gia cho rằng gần như không thể xử phạt hình sự những chủ tiệm này vì hành vi “từ chối tình nguyện cứu giúp”.
Nhiều người nhận định cuộc điều tra cũng có thể tập trung vào phía các cảnh sát phụ trách khu vực, cũng như chính quyền quận Yongsan phụ trách khu vực Itaewon, vì không có biện pháp đề phòng ngăn chặn tai nạn từ trước, lơ là nghĩa vụ giữ an toàn.
Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Hàn Quốc Lee Sang Min, Thị trưởng Seoul Oh Se Hoon và Cảnh sát trưởng quốc gia Yoon Hee Keun đều đã xin lỗi vì vụ chèn ép gây chết người.
Cho đến nay, số người chết là 156 người với 151 người bị thương, 29 người trong tình trạng nguy kịch. Ít nhất 26 người nước ngoài từ 14 quốc gia đã thiệt mạng, Reuters đưa tin.
Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.
Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.