Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cảnh ngược đời trong những lễ cưới xa hoa ở Kabul

Tại những bữa tiệc cưới xa hoa mới trở lại Kabul, phụ nữ Afghanistan có cơ hội tận hưởng và lánh xa thực tại, trong khi đàn ông rầu rĩ trong một căn phòng khác không tiếng nhạc.

taliban nam quyen afghanistan anh 1

Phòng khiêu vũ lấp lánh ánh đèn. Những phụ nữ trẻ trong váy voan và satin bước đi trên bàn hoặc chậm rãi xoay người trên sàn nhảy theo điệu nhạc nhịp nhàng. Từ trên trần nhà, cô dâu và chú rể được hạ xuống bằng cáp treo vàng. Những phương tiện bay không người lái nhỏ xíu trên không trung ghi lại mọi khoảnh khắc.

Khác biệt với khung cảnh cổ tích này, thủ đô Afghanistan vẫn chìm trong sự kìm kẹp của chế độ tôn giáo nghiêm ngặt, khi cấm nữ giới tới trường, cấm phụ nữ đi du lịch mà không có người giám hộ nam, yêu cầu nữ giới che kín từ đầu tới chân nơi công cộng. Gần đây nhất, hôm 20/12, Taliban ra sắc lệnh ngăn phụ nữ Afghanistan tiếp cận giáo dục đại học, Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, trong buổi tối tháng 12 se lạnh này, tại căn phòng dành cho phụ nữ của khách sạn White Palace mới khai trương, hàng trăm “Lọ Lem” được tự do uốn tóc, nói về các kiểu tóc, bỏ lại sau lưng những hạn chế nghiêm ngặt mà Taliban áp đặt lên công việc và cuộc sống của họ, theo Washington Post.

Chia phòng đám cưới theo giới tính

“Cuộc sống bên ngoài thật kinh khủng với chúng tôi. Chúng tôi không thể tưởng tượng được tương lai sẽ ra sao”, Halima - 20 tuổi, đã hoàn thành bậc trung học từ đầu năm ngoái nhưng không đi làm kể từ đó - chia sẻ.

Trong chiếc váy hồng lộng lẫy, cô chào đón những vị khách tới và cười khúc khích với bạn bè. “Ở đây giống như nơi trú ẩn đem lại cho chúng tôi cảm giác an toàn”, cô nói. “Chúng ta có thể lãng quên những lo âu và tận hưởng một buổi tối”.

Tuy nhiên, sự ủ rũ lại bao trùm một căn phòng khác nhỏ hơn có những khách mời nam. Một vài người đàn ông lớn tuổi trò chuyện rầm rì, nhưng hầu hết người trẻ tuổi dán mắt vào điện thoại thông minh, giết thời gian cho đến giờ ăn và gặp lại người thân là nữ rồi trở về nhà.

Các tiệc cưới trong xã hội Hồi giáo truyền thống này từ lâu đã phân chia hoạt động theo giới tính. Khi Taliban trở lại nắm quyền cách đây 16 tháng, lực lượng này bắt đầu Hồi giáo hóa các chuẩn mực xã hội bằng cách khuyến khích lòng hiếu đạo và lên án hành vi khiếm nhã. Theo thời gian, các quy tắc trở nên cứng rắn.

Trong khi những biện pháp bị lên án nhiều nhất nhắm tới phụ nữ, thì nam giới cũng là mục tiêu của các quy định nghiêm khắc. Tận hưởng nhạc đám cưới là ví dụ điển hình.

“Điều này đã thể hiện rõ trong đạo Hồi. Tất cả âm nhạc và nhạc cụ đều bị cấm, trừ daira” (một loại trống tambourine bằng da truyền thống), Atiq Mojahir - phát ngôn viên cơ quan Đẩy mạnh Đức hạnh và Ngăn ngừa Tội ác - nói.

“Chúng tôi không muốn mọi người bị quấy rầy bởi nhạc đám cưới. Đối với phụ nữ, chúng tôi sẽ linh hoạt hơn một chút”, ông nói, nhấn mạnh giai điệu nhẹ nhàng sẽ được chấp nhận.

Đối với khách nam, ông Mohajir nói “họ có thể làm những việc khác, như đọc thơ, thuyết giảng, diễn hài. Họ có thể tận hưởng dịp này theo bất kỳ cách nào họ muốn, ngoại trừ dùng âm nhạc”.

Ông nói thêm trong những năm gần đây, nam giới trong các bữa tiệc cưới đã đi quá giới hạn, với vũ điệu cuồng nhiệt và dùng ma túy.

Tuy nhiên, lập luận này không đủ để xoa dịu các khách hàng hay giới kinh doanh tiệc cưới ở thủ đô. Đây là ngành công nghiệp phát triển mạnh với khoảng 150 hội trường, giúp thúc đẩy hoạt động của các tiệm làm đẹp, người buôn hoa, cung cấp thực phẩm, thợ may, thợ quay và chụp ảnh, đại lý thuê xe hơi, người phục vụ, ca sĩ,...

Đám cưới của người Afghanistan - một phần quan trọng trong đời sống xã hội - thường có trên 1.000 khách.

"Bữa tiệc không có âm nhạc giống như bông hoa tàn"

Trong những tháng gần đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng sau nhiều tháng chịu lệnh trừng phạt quốc tế và lạm phát tăng vọt, đám cưới tại Afghanistan bị thu hẹp về quy mô lẫn lợi nhuận, cũng như sự hào hứng.

Các gia đình mặc cả giá thực đơn bữa tối. Viện thẩm mỹ giảm giá 70%. Chú rể mua hoa nhựa thay vì hoa tươi để trang trí xe hơi trắng chở cặp đôi đến sảnh cưới - nghi lễ từng được thực hiện bởi ngựa trắng.

“Tôi từng mua hoa hồng từ Pakistan với giá 3 USD/bó và bán ra giá 4 USD. Hiện tại, tôi chỉ kiếm được 25 xu, rất nhiều hoa sắp héo”, Sharif Wali - người bán hoa ở quận Khair Khana thuộc tầng lớp trung lưu - cho biết.

Gần đó, dãy tiệm làm đẹp gần một số sảnh cưới vật lộn để sinh tồn. Hình ảnh cô dâu trong mái tóc xù treo trước cửa tiệm bị xóa, hầu hết tiệm tắt đèn và không có khách. Hai thợ cắt tóc trong một tiệm ngồi đợi khách trong vô vọng.

“Tôi làm ở đây bởi tôi không còn việc gì khác”, Malika - 21 tuổi, đang là học sinh trung học khi Taliban quay lại nắm quyền - cho biết. “Tôi muốn vào đại học và nghiên cứu khoa học chính trị, nhưng ước mơ giờ không còn nữa. Lựa chọn duy nhất bây giờ là ngồi ở nhà, hoặc kết hôn”.

Ngoài nỗi lo về chi phí, cảm giác sợ hãi cũng bao trùm các đám cưới. Với lệnh cấm hoàn toàn nhạc sống, nhiều ca sĩ đám cưới nổi tiếng đã rời khỏi đất nước.

taliban nam quyen afghanistan anh 3

Cô dâu Sabrina tạo dáng trước nhóm chụp ảnh và quay video trong lễ cưới. Ảnh: Washington Post.

Trong khu vực dành cho nam, các nhóm Taliban đôi khi đột ngột xuất hiện, đi qua từng căn phòng. Một số vị khách chứng kiến cảnh nhân viên khách sạn, thậm chí cả chú rể, hối hả chạy đến đồn cảnh sát khi các nhóm này nghe thấy thứ âm nhạc bị cấm.

Ở khu vực dành cho nữ, đám cưới sôi động hơn và các khách mời cũng thoải mái hơn. Nhiều bà mẹ đưa theo con và diện trang phục đẹp.

Những người đàn ông duy nhất được phép có mặt là một vài người họ hàng thân thiết của cô dâu và chú rể, cộng với nhiếp ảnh gia và DJ - người lựa chọn cẩn thận các bản nhạc, từ bản ballad Iran du dương tới giai điệu truyền thống Afghanistan.

Tuy nhiên, cảm giác lo lắng vẫn quanh quẩn tại khu vực cho nữ. Quản lý khách sạn theo dõi chặt chẽ mọi thứ, trong khi bảo vệ ở cổng trước sẵn sàng cảnh báo về những “vị khách” bất ngờ.

“Lệnh cấm tất cả âm nhạc khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Mọi người biết điều này bị pháp luật cấm, nhưng đó là truyền thống lâu đời và in sâu trong trái tim mọi người”, một người quản lý cho hay.

Bất chấp những khó khăn tài chính, các đám cưới vẫn diễn ra sau khi nhiều hội trường đóng cửa trong những tháng đầu Taliban cai trị. Ở những khu dân cư bình thường, các hội trường trải thảm sờn đã được đặt kín các buổi tối.

Dọc theo đại lộ dẫn đến sân bay quốc tế, loạt hội trường sang trọng - một số được tân trang và một số xây mới hoàn toàn - thắp sáng cả bầu trời đêm.

White Palace - xây dựng hết 7 triệu USD và khai trương vào tháng trước - nổi bật với những cây cột sơn vàng, mái vòm trung tâm cao vút và cầu thang lớn trong phòng khiêu vũ.

Chủ sở hữu Fazel Sultani vừa là người ủng hộ mạnh mẽ phát triển kinh doanh dưới thời chính quyền mới, vừa là người chỉ trích việc cấm nhạc đám cưới với nam giới.

“Bữa tiệc không có âm nhạc giống như bông hoa tàn. Chúng tôi muốn khách hàng vui vui vẻ, nhưng chúng tôi có thể làm gì đây?”, anh Sultani nói, lắc đầu.

Afghanistan ngày nay

Mục thế giới giới thiệu đến bạn đọc sách về Afghanistan với tựa đề "Afghanistan ngày nay" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2018. Hiện nay, khi nhắc đến Afghanistan, nhiều người thường nghĩ ngay đến vùng đất của chiến tranh, nghèo đói, ma túy và bất ổn. Vậy điều gì đã khiến Afghanistan mất đi vẻ đẹp và sự bình yên của đất nước một thời? Cuốn sách “Afghanistan ngày nay” sẽ góp phần lý giải câu hỏi này.

Taliban giáng đòn mới vào phụ nữ Afghanistan

Chính quyền Taliban đã ra lệnh cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới - đòn giáng mới nhất đối với quyền và sự tự do của phụ nữ Afghanistan.

Taliban lên tiếng về lệnh cấm nữ sinh học đại học

Quan chức Taliban cho biết nữ sinh Afghanistan bị cấm học đại học vì họ không tuân thủ các hướng dẫn, bao gồm quy định về trang phục phù hợp.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm