Vào mùa thu năm 2020, trong những ngày ảm đạm nhất của đại dịch Covid-19, sinh viên của bà Shabana Basij-Rasikh tại Trường Lãnh đạo Afghanistan (SOLA) đã vẽ một bức tranh.
Bức tranh khắc họa một chiếc lều nằm trên cánh đồng được bao quanh bởi những ngọn núi. Lều bằng vải màu xanh lam, được đóng cọc xuống đất ở các góc, với lỗ lưới ở mặt đằng trước.
Đằng sau tấm lưới, bị che khuất, là một người phụ nữ. Cô đang cầm những sợi dây bóng bay nhiều màu sắc, được luồn qua khe lưới, và thả chúng, từng quả một, lên không trung.
Cô gái vẽ bức tranh, nghệ sĩ trẻ người Afghanistan, đã giải thích nó như sau: Chiếc lều là chiếc khăn trùm đầu màu xanh. Người phụ nữ bên trong đại diện cho phụ nữ Afghanistan buộc phải nhốt mình bên dưới lớp vải đó hoặc sau những bức tường nhà.
Bức tranh do một học sinh của Shabana Basij-Rasikh vẽ vào năm 2020. Ảnh: Washington Post. |
Cô cũng đại diện cho những phụ nữ cô đơn và bị cách ly không chỉ bởi Covid-19, mà còn bởi các thành phần trong xã hội - những người đòi có quyền lực tối cao để quyết định cuộc sống và tương lai của phụ nữ.
Trong chiếc lều màu xanh, người phụ nữ đang thả tay ra để những quả bóng bay đầy màu sắc của cô bay đi.
Bà Shabana Basij-Rasikh, nhà sáng lập kiêm chủ tịch một ngôi trường nữ sinh tại Afghanistan, chia sẻ hai năm sau, giữa những ngày ảm đạm nhất của đất nước, những người đàn ông Taliban, đã “nhắm bắn những quả bóng bay mang hy vọng của chúng tôi trên bầu trời, từng quả một", theo Washington Post.
“Phát bắn” đó xảy ra vào ngày 20/12 khi giới chức Taliban ra sắc lệnh cấm phụ nữ Afghanistan tiếp cận giáo dục đại học, có hiệu lực ngay lập tức, Reuters đưa tin.
"Tất cả người dân được nhận thông báo phải thực hiện lệnh đình chỉ giáo dục với nữ giới cho tới khi có thông báo mới", Bộ trưởng Giáo dục Đại học thuộc chính quyền Taliban Neda Mohammad Nadeem viết trong thư gửi toàn bộ trường đại học công và tư nhân hôm 20/12.
Một ngày sau đó, chính quyền Taliban tiếp tục ban hành lệnh cấm trẻ em gái Afghanistan học tiểu học. Như vậy, Taliban đã thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới tại quốc gia Tây Nam Á này.
"Làm nữ giới là tội nặng"
Lệnh cấm giáo dục đại học với nữ giới Afghanistan được đưa ra chưa đầy 3 tháng sau khi hàng nghìn nữ sinh và phụ nữ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học khắp cả nước, trong đó nhiều người mong muốn được học ngành kỹ thuật và y học.
Thế nhưng, điều đó đã kết thúc bây giờ.
Đối với Sabra, một sinh viên y khoa năm 4, tin này giống như một gáo nước lạnh. “Tôi đã học hết mình trong 4 năm,” cô nói qua điện thoại từ Kabul. “Tôi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học”.
Thông báo của chính quyền Taliban được công bố trong thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp tại New York về Afghanistan hôm 20/12. Các chính phủ quốc tế đã bày tỏ quan ngại với động thái này, nói rằng Taliban cần thay đổi chính sách về giáo dục đối với phụ nữ trước khi chính thức công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định: “Taliban đã kết án vĩnh viễn phụ nữ Afghanistan với một tương lai đen tối hơn, và không có bất cứ cơ hội nào".
Thế nhưng, bất chấp những điều đó, vào sáng 21/12, nhân viên và lực lượng an ninh tại các trường đại học ở Kabul đã từ chối các nữ sinh đến học, theo Guardian. Tại thành phố phía đông Jalalabad, đoạn video cho thấy nhóm đàn ông và phụ nữ biểu tình bên ngoài khuôn viên trường.
Một thành viên của Taliban đứng gác tại cổng vào của Đại học Kabul vào ngày 21/12. Ảnh: Reuters. |
Sabra cho biết cô đã nghe tin đồn từ nhiều tháng trước rằng Taliban sẽ cấm phụ nữ học đại học nhưng cô không thể tin được.
“Bây giờ là 4h30 ở Kabul, và tôi không thể chợp mắt được một giây nào tối nay”, cô nói. “Tôi không cầm được nước mắt”.
Một nữ sinh khác viết trên Facebook rằng cô cũng khó ngủ. Sakina Sama cho biết cô đã mất 3 năm sau khi rời trường trung học để thuyết phục cha đồng ý cho cô đăng ký vào trường đại học, nhưng giờ đây lại bị chính phủ cấm.
“Làm con gái là tội nặng và đêm nay tôi muốn nguyền rủa đấng tạo hóa đã tạo ra tôi để tôi phải khổ sở, tủi nhục như vậy”, cô viết. “Không từ ngữ nào có thể diễn tả sự tức giận của tôi tối nay”.
Bà Shabana Basij-Rasikh cho hay ở Afghanistan dưới chế độ Taliban, các cô gái vị thành niên được cho là không cần phải đi học.
“Họ không cần phụ nữ trẻ phải học. Phụ nữ có mục đích riêng của họ. Những luật lệ không ngừng quyền kiểm soát tương lai, tham vọng và cơ thể của phụ nữ đã diễn ra trong suốt năm 2022 với sự tàn bạo chậm chạp”.
"Đừng nhìn đi chỗ khác"
Bà Basij-Rasikh chia sẻ kể từ ngày Taliban lên nắm quyền vào mùa hè năm ngoái, bà đã yêu cầu thế giới đừng rời mắt khỏi Afghanistan.
“Tôi đã yêu cầu các bạn đừng rời mắt khỏi những phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, cũng như những người đàn ông đóng vai là thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người hành quyết giấc mơ”, bà nói.
Lời yêu cầu đó xuất phát từ cùng một lý do mà Rina Amiri, đặc phái viên Mỹ về phụ nữ, trẻ em gái và nhân quyền Afghanistan, đã viết trên Twitter vào tháng trước.
Dưới chính quyền Taliban, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan bị tước đi cả những quyền tự do cơ bản nhất. Ảnh: AP. |
“Những ai lo sợ một Afghanistan trở nên cực đoan nên cảnh giác trước chính sách của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái. Taliban đã từ chối cho họ quyền được học hành, làm việc trong hầu hết lĩnh vực, thậm chí ngay cả niềm vui nhỏ nhoi như quyền được đi công viên. Chủ nghĩa cực đoan này sẽ dẫn đến sự bất ổn, nghèo đói và nhiều người dân trốn chạy hơn”, theo bài đăng.
Nhà đồng sáng lập Trường Lãnh đạo Afghanistan cho rằng điều đó chắc chắn sẽ và thậm chí đang diễn ra ngay bây giờ. Vì vậy, bà kêu gọi mọi người hành động để ủng hộ và bênh vực công khai cho phụ nữ Afghanistan.
Đó là những phụ nữ bị đánh đập, bị bắn, bị vứt xác bên vệ đường và trong thùng rác. Đó là những người vẫn kêu gọi cho đến tận bây giờ quyền tự do và quyền được làm việc, học tập.
“Một thế hệ phụ nữ Afghanistan mới đang bị đẩy ra khỏi con đường hướng tới giáo dục và sự độc lập. Những quả bóng bay rực rỡ từng lấp đầy bầu trời của chúng ta giờ đã bị thủng và rơi xuống đất”, bà chia sẻ.
Bà cho hay những người phụ nữ này và hy vọng của họ chính là lực lượng đồng minh chống lại chủ nghĩa cực đoan mà thế giới không thể để mất.
Vì vậy hãy “nhìn họ, nghe họ, tôn vinh họ. Đừng nhìn đi chỗ khác”, bà nhấn mạnh.
Quyền lực tối cao của hoàng tử 8X giàu nhất Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn MBS: The Rise to Power of Mohammed bin Salman của tác giả Ben Hubbard, người đứng đầu văn phòng Beirut của New York Times (NYT). Cuốn sách này nói về Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, khắc họa con đường ông vươn lên quyền lực tối cao và cuộc sống của giới giàu có Trung Đông.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.