Từng là vùng đất cát, nghèo dinh dưỡng, các chuyên gia, kỹ sư áp dụng khoa học kỹ thuật, biến Nông trường 24/3 ở xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ thành cánh đồng chuối Nam Mỹ trĩu quả. |
Ông Phan Văn Thành, cán bộ kỹ thuật cho biết sau 10 tháng trồng và chăm sóc theo GlobalGAP, tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong nông nghiệp có thể tiếp cận thị trường toàn cầu, chuối Nam Mỹ đã phát triển tốt trên hàng chục ha đất cát nơi đây. |
Theo ông Thành, vụ chuối Nam Mỹ đầu tiên được trồng trên diện tích khoảng 25 ha, đang trong giai đoạn thu hoạch quả để xuất khẩu. Trong ảnh là chiếc máy kéo được cải tiến rơ-moóc với giàn khung sắt hai tầng cùng lúc có thể vận chuyển 40 buồng chuối từ ngoài đồng ruộng về nhà xưởng sơ chế. |
Công nhân tập kết các buồng chuối về nhà xưởng sơ chế. Thời gian qua, nhiều đối tác nước ngoài đã đến đây khảo sát, lấy mẫu chuối về phân tích, kiểm tra đánh giá chất lượng, lần lượt ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra. |
Sau khi thu hoạch từ đồng ruộng đưa về nhà xưởng sơ chế, công nhân thu nhặt lớp nylon, vệ sinh cho các buồng chuối. Ước tính, mỗi ha chuối Nam Mỹ xuất khẩu có doanh thu khoảng 100 triệu đồng/năm, đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần những cây trồng khác trên cùng diện tích. |
"Hoàn tất khâu vệ sinh, từng nải chuối được cắt rồi đưa vào bồn nước sục khí cho bay lớp bụi bẩn. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi sơ chế khoảng 200 buồng", chị Thu Hà (ngụ xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ) nói. Chuối được ngâm trong nước cho bớt nhựa, sau đó vớt lên phun sương để giữ độ tươi lâu. Chuối Nam Mỹ cho quả to đều, đẹp, mỗi buồng nặng khoảng 20 kg. Mỗi kg chuối sau khi sơ chế, đóng thùng có giá 11.000 đồng. |
Từng nải chuối Nam Mỹ được dán tem trước khi đưa đi xuất khẩu. Theo lãnh đạo Nông trường 24/3, vụ đầu tiên này ước tính xuất khẩu đạt hơn 1.000 tấn chuối. |
Sản phẩm chuối Nam Mỹ sau khi kiểm tra chất lượng, người lao động đóng gói, đưa vào container bảo quản lạnh xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Ông Võ Minh Vương, Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho hay xã Phổ Nhơn là vùng đất cát, nghèo dinh dưỡng, nên trước đây chủ yếu trồng cây mía. Nhờ tận dụng được nguồn nước tưới từ ao hồ, áp dụng khoa học kỹ thuật, các kỹ sư đã trồng chuối Nam Mỹ đạt hiệu quả kinh tế cao ở địa phương này. |