Bầu trời ở tỉnh Jambi, Indonesia vào cuối tuần qua đã chuyển sang màu đỏ do khói mù từ các đám cháy rừng bao phủ dày đặc. Nhiều bức ảnh chụp từ nước này đã nhang chóng lan truyền trên Twitter, Facebook. Trên Twitter, bài đăng của các hãng tin lớn như BBC, CBS... về bầu trời màu đỏ ở Indonesia đều nhận được hàng trăm lượt chia sẻ. Một số người dùng bình luận khung cảnh này "giống hệt địa ngục trên Trái Đất". |
Theo Kompas, hiện tượng bầu trời đỏ bắt đầu xảy ra từ gần buổi trưa ngày 21/9 và kéo dài liên tục khoảng 4 tiếng. |
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết bầu trời có màu đỏ là do hiện tượng tán xạ Mie. Tán xạ Mie là tán xạ gây bởi các hạt như bụi, phấn hoa, khói và giọt nước. Đường kính của các hạt gây tán xạ Mie tương đương bước sóng của bức xạ bị tán xạ. |
Trong trường hợp này, màu sắc của bầu trời được tạo ra bởi sự tán xạ ánh sáng với các hạt vi mô có tên gọi aerosol bay lơ lửng trong không khí. Hiện tượng này xảy ra khi đường kính của các aerosol gần bằng với bước sóng của ánh sáng mặt trời nhìn thấy được. |
"Đây là buổi chiều, không phải đêm. Đây là Trái Đất, không phải Hỏa tinh. Đây là Jambi, không phải ngoài không gian. Chúng tôi đang thở bằng phổi chứ không phải bằng mang. Con người cần không khí trong lành, không phải khói bụi", tài khoản Zuni Shofi Yatun Nisa bức xúc chia sẻ trên Twitter. |
Hình ảnh một chiếc ôtô đang di chuyển trong bầu không khí bị ô nhiễm bởi khói mù. |
Nhà cửa, cây cối chìm trong bầu không khí đỏ rực. |
"Ánh sáng đỏ có bước sóng 0,7 micromet. Dựa trên dữ liệu BMKG, mật độ các hạt ô nhiễm dưới 10 micromet đo được rất cao ở Jambi, Palembang và Pekanbaru nhưng chỉ có bầu trời ở Muaro Jambi chuyển sang màu đỏ. Điều này có nghĩa ô nhiễm không khí nơi đây đang ở mức độ nghiêm trọng khi các hạt ô nhiễm có kích thước bằng bước sóng 0,7 micromet tập trung lại", BMKG giải thích. |
Cộng đồng mạng tại Indonesia đổ lỗi cho cháy rừng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. |
Ngày 23/9, một số khu vực tại tỉnh Jambi đã đạt mức độ ô nhiễm 763. Đây là mức độ rất nguy hiểm, vượt xa so với con số cho phép và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của con người. |