Theo ghi nhận, giá tiêu ngày 15/3 tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Mức giá tại các vùng nguyên liệu như Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk và Đắk Nông dao động trong khoảng 70.000-71.500 đồng/kg. Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá thu mua ở ngưỡng cao nhất cả nước là 73.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Đáng chú ý, giá tiêu trên thị trường tự do cao hơn giá tham khảo 2.000-4.000 đồng/kg, có nơi được thương lái đến hỏi mua với giá 76.000 đồng/kg. Các mức giá này gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước.
Giá tiêu tiếp tục tăng cao, vượt mức 70.000 đồng/kg. Ảnh: Báo Công Thương. |
Việc tăng giá đã diễn ra liên tục từ cuối tháng 2 đến nay. VPA nhìn nhận tình trạng này là "bất thường", trong khi sản lượng và giá thành xuất khẩu chưa tăng tương ứng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng tiêu xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm nay đạt 30.291 tấn, giảm 25,3% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân do tháng 2 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cũng như tình trạng khan hiếm container rỗng và chi phí logistics tăng cao. Kim ngạch từ đó cũng giảm 6,5%, còn 87,56 triệu USD, tương đương mức giá khoảng 2.890 USD/tấn tiêu xuất khẩu.
VPA đánh giá mặc dù nhu cầu tiêu thụ và chế biến tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng, chưa tương xứng với giá nguyên liệu. Đồng thời, sản lượng tiêu ở các quốc gia cũng đang giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, mùa vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay muộn hơn các năm trước, đến nay cả nước mới thu hoạch bình quân khoảng 30-40% diện tích. Ước tính đến cuối tháng 4, nông dân mới cơ bản thu hoạch xong. Chưa kể, sản lượng tiêu trên cả nước năm nay chỉ ước đạt 150.000-180.000 tấn, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Bên cạnh các yếu tố khách quan này, VPA còn cho rằng giá tiêu đang bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Do đó, Hiệp hội cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký, doanh nghiệp nên điều tiết tiến độ giao hàng, hoặc mua thị trường khác thay thế hay thương lượng để bồi thường hợp đồng.
Về phía các địa phương và nông dân, VPA nhấn mạnh việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống. Người dân cũng cần hạn chế tình trạng thấy giá tiêu lên cao lại mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.
Đồng thời, một giải pháp bền vững hơn là doanh nghiệp có hướng tiếp cận thị trường hiệu quả, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để gia tăng sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi tiêu vào vụ thu hoạch.