Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cảnh báo trực diện bất ngờ của ông Biden với Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden đã nhắc đến Trung Quốc nhiều gấp đôi so với thông điệp năm 2022, với khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ chủ quyền trước các mối đe dọa, sau sự cố khí cầu Trung Quốc.

quan he my trung anh 1

Thời điểm đưa ra thông điệp liên bang của ông Biden xuất hiện chỉ một tuần sau chuỗi sự kiện khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện tại Mỹ, kéo theo những căng thẳng giữa quan hệ hai nước, vốn đã ở mức thấp.

Tổng thống Biden nhấn mạnh sẽ bảo vệ nước Mỹ trước những đe dọa từ Trung Quốc với chủ quyền. Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết khinh khí cầu vừa bị bắn hạ ngày 4/2 chỉ là một phần trong chương trình do thám rộng hơn từ Trung Quốc.

Theo Global Times, ông Biden đã 6 lần nhắc đến Trung Quốc trong thông điệp năm nay, gấp đôi so với năm 2022. Cá nhân ông Biden trong bài phát biểu cũng đã có lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc.

Bên cạnh việc khẳng định chỉ theo đuổi sự cạnh tranh, không phải xung đột với Trung Quốc, ông Biden cũng cam kết hiện đại hóa quân đội và tăng cường quan hệ với đồng minh để bảo vệ Mỹ.

Thời điểm nhạy cảm

"Băng chưa kịp tan" khi Mỹ và Trung Quốc có những tín hiệu tích cực trong quan hệ, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2022. Nay, nhiều nhà quan sát cho rằng sự kiện khí cầu Trung Quốc như bước đầu đưa hai nước đến cuộc Chiến tranh Lạnh mới, theo CNN.

Sau thông điệp liên bang của ông Biden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định Bắc Kinh luôn tin rằng quan hệ Mỹ - Trung không phải trò chơi có tổng bằng không.

"Thật không phải một quốc gia có trách nhiệm khi sử dụng sự cạnh tranh làm cái cớ để bôi nhọ nước khác và hạn chế quyền phát triển hợp pháp", bà Mao Ninh nói.

quan he my trung anh 2

Quan hệ Mỹ - Trung tưởng chừng sẽ có dấu hiệu tích cực trong năm nay, khi ông Biden và ông Tập gặp nhau tại Indonesia vào tháng 11/2022. Song, hai nước càng có thêm căng thẳng sau sự cố khí cầu Trung Quốc. Ảnh: AP.

Việc thông điệp liên bang nhắm trực tiếp vào Trung Quốc đặt ra những câu hỏi về cách Bắc Kinh sẽ phản ứng sau ngày 7/2.

Bài phát biểu của ông Biden phần lớn tập trung vào vấn đề trong nước, nhưng nó đến vào thời điểm địa chính trị hỗn loạn. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng đang đứng ở lập trường đối lập với Nga, một đối thủ khác của Washington.

Nhân tố khiến chính trị Mỹ gắn kết

Rất khó để tìm sự thống nhất giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Mỹ. Song, những bình luận của ông Biden ngày 7/2 đã nhấn mạnh về sự phản đối Trung Quốc, và đây là điều khiến chính trị Mỹ phần nào gắn kết.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những hoạt động tình báo nhắm vào nhau, nhưng việc khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ đã làm nổi lên những lo ngại về chủ quyền bị đe dọa hơn bao giờ hết.

Với nhiều cách khác nhau, cả Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều có những lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ cũng phần nào có những điểm giao nhau về vấn đề Trung Quốc. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã triệu tập một ủy ban lưỡng đảng mới tại Hạ viện nhằm đánh giá những mối đe dọa từ Bắc Kinh.

quan he my trung anh 3

Ông Biden đưa bản sao thông điệp liên bang cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters.

Ngay sau thông điệp liên bang của ông Biden, ông Donald Trump đã nói rằng việc công kích Trung Quốc sẽ còn gay gắt hơn vào chiến dịch tranh cử 2024.

Sức nóng đầu năm

Câu hỏi chính được đặt ra là liệu những lời lẽ gay gắt từ cả Mỹ và Trung Quốc có là cơ sở đẩy quan hệ hai nước ngày càng xấu đi hay không. Quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã rạn nứt, với đỉnh điểm là chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Loan.

Trong bài phát biểu ngày 7/2, ông Biden đã không đề cập đến hòn đảo này, được cho là để tránh “đổ dầu vào lửa” cho căng thẳng hai nước.

Về sự cố khí cầu Trung Quốc, Lầu Năm Góc nói rằng Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu thảo luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với người đồng cấp Trung Quốc sau khi Washington bắn hạ khí cầu Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh bị “hoãn lại” đến khi điều kiện cho phép, thay vì hoàn toàn bị hủy bỏ. Song, không có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình có thể sớm ổn định để nối lại chuyến thăm trong thời gian ngắn.

quan he my trung anh 4

Các thủy thủ trục vớt khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngày 4/2 ở biển Myrtle, Nam Carolina. Ảnh: Reuters.

Những nghi hoặc của Washington với hoạt động tình báo của Bắc Kinh sẽ khó được tháo gỡ. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng một chương trình do thám mở rộng của Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 20 nhiệm vụ tại 5 châu lục trong những năm qua.

Thông điệp liên bang của Tổng thống Biden được đưa ra trong thời điểm căng thẳng, khi Washington đồng thời phải đối đầu với cả Trung Quốc và Nga, khi Moscow và Bắc Kinh đang có những động thái thắt chặt quan hệ kể từ đầu năm 2022.

Giới phân tích cho rằng những sự kiện vào đầu năm có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung gặp nhiều áp lực, và sự cạnh tranh gay gắt của hai nước có thể dẫn đến nhiều thách thức toàn cầu.

Cuốn sách đáng chú ý về Tổng thống Biden

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Joe Biden: Hành trình kéo dài năm thập kỷ” do Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản. Sách khắc họa sự nghiệp của ông Biden tại Thượng viện, những điều đã xảy ra trong 8 năm ông đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, lý do ông rút khỏi cuộc bầu cử năm 2016 và vì sao ông quyết định trở lại, cạnh tranh cùng ông Donald Trump.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Ông Biden nhắc đến khí cầu Trung Quốc trong Thông điệp Liên bang

Tổng thống Joe Biden, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, đã gọi quyết định bắn hạ khí cầu Trung Quốc là hành động "bảo vệ nước Mỹ".

Ông Biden nói sự cố khí cầu không làm quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng

Ông Joe Biden cho biết chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi sự cố khinh khí cầu xảy ra.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm