Quân đội Mỹ những năm qua đã ghi nhận nhiều trường hợp tai nạn do dù dự phòng T-11. Ảnh: USAOC/Sanboxx. |
Một biệt kích SEAL thiệt mạng năm 2014, một đặc công Không quân Mỹ mất tích ngoài biển năm 2019 và một lính mũ nồi xanh có thể mất đi cánh tay vào năm nay, cả 3 trường hợp này đều xuất phát từ tai nạn do dù của họ bất ngờ bung ra lúc gió mạnh khi đang ở trên máy bay.
3 trường hợp trên đều mang dù dự phòng T-11, được đeo ở trước ngực và người lính sẽ kéo dù này ra trong trường hợp dù chính của họ gặp sự cố.
Giới phê bình cho rằng vật liệu dây dù bằng vải mẫu mới khiến nó nhạy cảm hơn khi gặp gió mạnh, so với mẫu sử dụng dây kim loại đã tồn tại trong hàng chục năm qua.
Các vụ tai nạn không nhiều, song hậu quả để lại có thể nghiêm trọng. Quân đội Mỹ hiểu được mối lo này, do đó họ đã có vài điều chỉnh vào năm 2021 để ngăn dù tự bung khi gió mạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phản đối và cho rằng cần phải thay mới thiết bị, theo Washington Post.
Sự cố kỹ thuật
Brycen Erdody, quân y mũ nồi xanh, suýt thiệt mạng vào năm 2022 ở độ cao 380 m sau khi dù T-11 của ông bung ngay trước cửa máy bay. Dù bung và hút ông ra ngoài, khiến ông bị đập vào khung cửa, làm rách mũ và đứt một phần cánh tay.
Điều tra sau đó của quân đội kết luận rằng Brycen Erdody sơ suất trong vụ tai nạn. Ông đã phải trải qua 5 lần phẫu thuật sau vụ việc này.
Loại dù dự phòng T-11, với tay kéo màu đỏ làm bằng vải. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ/Washington Post. |
“Cả hai xương sườn đầu tiên của tôi đều bị gãy, xương ức của tôi bị lõm vào, bắp tay bị cắt làm đôi, dây thần kinh bị kéo ra khỏi cột sống”, ông Erdody kể lại. “Họ có thể sẽ phải cắt bỏ cánh tay của tôi”.
Ông Erdody và vợ ngày 3/4 đã đâm đơn kiện lên tòa án Bắc Carolina với công ty Airborne Systems, đơn vị sản xuất dù T-11, với cáo buộc thiết kế dù bị lỗi và không cảnh báo cho binh lính về vấn đề đó. Với những người có kinh nghiệm nhảy dù, họ sẽ thường nhoài người ra cửa máy bay để quan sát vị trí nhảy. Khi đó, mối đe dọa từ sự cố bung dù sẽ lớn hơn.
Dù dự phòng T-10 có tay kéo kim loại. Ảnh: Mills Manufacturing. |
Trong đơn kiện, luật sư của ông Erdody nói rằng dù dự phòng T-11 ban đầu được thử nghiệm có chốt an toàn, khiến nó khó bất ngờ bung ra. Nhưng các chốt an toàn này đã không được trang bị trên dù của binh lính gặp tai nạn.
Nạn nhân từ những vụ việc trên không thể kiện Bộ Quốc phòng Mỹ do học thuyết Feres - một luật định cấm quân nhân bị thương trong nhiệm vụ đòi chính phủ liên bang bồi thường.
Dù vậy, phía luật sư của ông Erdody hy vọng đơn kiện công ty sản xuất sẽ khiến quân đội phải xem xét lại.
“Điều này sẽ không mang lại cánh tay cho ông Brycen, nhưng hy vọng nó sẽ giúp binh sĩ không gặp phải trường hợp tương tự”, luật sư Natalie Khawam nói.
Đã có nhiều vụ tai nạn
Đây là lần thứ hai Airborne Systems bị kiện về những vấn đề liên quan đến dù dự trữ T-11.
Bradley Cavner, lính SEAL của Hải quân Mỹ đã thiệt mạng ở El Centro, California năm 2014 khi dù T-11 bung ra do gió, khiến ông bị đập đầu vào khung cửa máy bay.
Hồ sơ tòa án cho biết đơn kiện của cha mẹ Cavner đã được giải quyết bằng một dàn xếp kín vào năm 2017.
Một trường hợp khác là đặc công Không quân Mỹ Cole Condiff thiệt mạng khi dù T-11 bung và kéo ông ra khỏi máy bay khi đang ở vịnh Mexico. Thi thể của ông không được tìm thấy.
Điều tra của Không quân Mỹ kết luận Condiff và các đồng đội đã không để ý đến việc miếng vải bảo vệ dây kéo - được thêm vào sau tai nạn của Badley Cavner - bị kéo dài quá 2,5 cm, khiến nó không thể ngăn gió thổi vào gây bung dù.
Tuy vậy, một huấn luyện viên nhảy dù quân sự đã nói rằng miếng vải được thêm vào này chỉ tương tự “miếng băng cá nhân”.
Quân đội Mỹ nhảy dù khỏi máy bay C-130 trong buổi huấn luyện năm 2020. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ/Washington Post. |
“Họ cứ cố tìm những giải pháp nhỏ mà không hành động quyết liệt rằng hệ thống này không an toàn và cần ngừng sử dụng. Dù dự trữ mẫu cũ sử dụng tay kéo kim loại và không ảnh hưởng gió, trong khi mẫu mới này chỉ cần gió thổi qua là sẽ khiến nó bung ra”, người này nói.
Tai nạn của ông Erdody vào năm 2022 xảy ra dù báo cáo cho biết các binh lính đã kiểm tra mọi thứ trước khi nhảy dù.
Hiện không rõ có bao nhiêu nạn nhân liên quan đến sự cố bung dù. Điều tra của Không quân Mỹ sau khi ông Condiff thiệt mạng năm 2019 nói rằng có 7 binh sĩ gặp sự cố. Trong khi đó, trường lục quân Mỹ nói ít nhất 10 trường hợp tử vong kể từ sau tai nạn của lính SEAL Bradley Cavner năm 2014.
Onyx Taylor-Catterson, phát ngôn viên quân đội Mỹ, nói rằng đã có những thay đổi để giảm thiểu rủi ro sự cố trong tương lai, như lắp thêm miếng vải, hay thay đổi hình dạng của tay kéo dù để ngăn bị tác động do gió thổi. Tuy nhiên, những người phê bình mong muốn một cuộc cải tổ lớn hơn.
“Họ vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống dù đã khiến tôi bị cuốn khỏi máy bay. Không hề có một chỉnh sửa nào”, ông Erdody nói.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.