Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Canh bạc' Triều Tiên giúp Abe lật ngược tình thế giữa bê bối

Căng thẳng Triều Tiên leo thang trong lúc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đối mặt hàng loạt bê bối và chính nỗi lo Triều Tiên đã giúp Abe "lật ngược thế cờ" trước dư luận.

"Dù yêu dù ghét, người ta không thể phủ nhận rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một chính trị gia lão luyện, là người có thể đánh hơi được rằng cảm xúc của công chúng đang đứng về phía ông và ông sẽ một lần nữa đắc cử".

Đó là cách South China Morning Post bình luận về việc Thủ tướng Abe vừa tuyên bố giải tán Hạ viện và tiến hành bầu cử sớm vào tháng tới. Giữa lúc các cử tri đầy lo lắng về bức tranh kinh tế ảm đạm, tình trạng thiếu chỗ trong các trường mẫu giáo, ông Abe vẫn tìm được một vấn đề sẽ cứu lấy lá phiếu của cử tri dành cho ông.

Triều Tiên

Abe được dự báo sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 22/10 tới trong bối cảnh người Nhật Bản lo lắng về một Triều Tiên gây hấn và khó lường ở gần. Việc đưa tin liên tục và dày đặc của truyền thông Nhật đã thuyết phục cử tri rằng Abe là lãnh đạo duy nhất đủ khả năng lẫn kinh nghiệm để đối phó với đất nước có vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và cả ý chí sử dụng những vũ khí trên.

Abe cho bau cu som anh 1
Thủ tướng Shinzo Abe vừa thông báo giải tán Hạ viện và công bố bầu cử sớm vào tháng tới để tận dụng lợi thế tỷ lệ tín nhiệm tăng trong khi đảng đối lập ở Nhật đang rối loạn. Ảnh: Reuters.

Lật ngược thế cờ

"Abe đang thể hiện khá tốt, phần nhiều là nhờ Triều Tiên", South China Morning Post dẫn nhận định của Steven Reed, giáo sư tại Đại học Chuo chuyên về các đảng chính trị và bầu cử ở Nhật Bản.

"Trong thời điểm của khó khăn chính trị và ngoại giao, người ta cần ổn định và cần ai đó họ có thể dựa vào", ông nói. "Abe là nhà lãnh đạo chính trị duy nhất ở Nhật Bản có kinh nghiệm đó và công chúng không sẵn lòng đặt toàn bộ tương lai vào đôi tay của một người chưa được thử thách".

Ông chỉ ra rằng tỷ lệ tín nhiệm đối với Abe đang ở mức trên 50%. Chỉ mới hồi tháng 7, cáo buộc ông can thiệp để giúp đỡ một người bạn và bê bối của các cộng sự thân thiết đã đẩy tỷ lệ ủng hộ thủ tướng xuống mức thấp kỷ lục là 26%. Tất cả đã thay đổi nhờ Kim Jong Un.

Trong một tháng sau đó, Triều Tiên liên tục dọa sẽ phóng tên lửa đến vùng biển gần đảo Guam của Mỹ, muốn vậy, thường tên lửa sẽ bay qua Nhật Bản. Cuối cùng, Triều Tiên không thật sự phóng tên lửa đến Guam, tên lửa của họ rơi xuống Thái Bình Dương, nhưng là sau khi đã thật sự bay ngang Nhật Bản. Còi báo động nhiều lần vang lên ở Nhật. 

Abe cho bau cu som anh 2
Ông Abe muốn lợi dụng nỗi lo lắng của người dân Nhật Bản về tên lửa Triều Tiên để chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: Reuters.

Stephen Nagy, một trợ lý giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế tại Tokyo, nói rằng Abe đã "chơi lá bài Triều Tiên một cách chuẩn xác".

"Ông ấy chứng tỏ được sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc đương đầu với Triều Tiên và nhấn mạnh quan hệ an ninh với Mỹ", ông nói. "Donald Trump đã đáp lại, thậm chí còn đề cập trong bài phát biểu gần đây ở Liên Hợp Quốc rằng công dân Nhật Bản đã bị đặc nhiệm Triều Tiên bắt giữ".

"Đó là một vấn đề đánh vào cảm xúc người Nhật và đã có tác dụng tốt ở đây".

Thủ tướng Nhật còn nhận được sự ủng hộ của EU trong vấn đề Triều Tiên khi khối này gần đây đã đồng ý gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng. Ở một mặt khác, ông Nagy chỉ ra rằng Thủ tướng Abe đã rất thông minh khi kiềm chế các hành động trả đũa Triều Tiên, đơn cử là việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không cố gắng bắn rơi tên lửa của Triều Tiên khi nó bay ngang qua.

"Điều đó chứng tỏ một sự lãnh đạo tiết chế và ổn định rất được lòng không chỉ cử tri mà còn các các đối tác quốc tế trong vùng", ông nói.

'Con dê tế thần' được tạm tha

Về phía Trung Quốc, sau một thập kỷ đầy tranh chấp ồn ào về địa chính trị, thật khó để nghĩ về Nhật Bản và Trung Quốc như những đối tác thân thiết. Dù vậy, trong năm nay, người ta thấy quan hệ có vẻ được xoa dịu.

Abe cho bau cu som anh 3
Lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc được dự đoán sẽ gác lại căng thẳng song phương để cùng giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ảnh: AFP.

"Theo tôi thấy, có vẻ như Trung Quốc đã dịu bớt chút ít kể từ năm 2012 đến nay", Garren Mulloy, một chuyên gia quốc phòng và là trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka ở Tokyo.

"Khi Abe trở lại cương vị thủ tướng vào tháng 12/2012, ông ấy được mô tả ở Trung Quốc như một lãnh đạo tệ hại cho Nhật Bản, một người sẽ chuyên tâm lật lại Học thuyết Yoshida (vốn tập trung vào tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu chi tiêu quốc phòng) cũng như Điều 9 của hiến pháp - nhưng điều đó không thật sự xảy ra", ông nói.

"Có rất nhiều cải cách đối với luật lệ về an ninh, nhưng (những gì Abe làm) vẫn còn một khoảng cách dài để bị xem là chương trình nghị sự hung hăng, đầy dân tộc chủ nghĩa mà nhiều người ở Nhật Bản - và có lẽ cả Trung Quốc - lo ngại", chuyên gia này nhận định.

Mulloy tin rằng bất cứ khi nào cãi vã nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản, từ sự kiện Nam Kinh, "phụ nữ mua vui" đến tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Abe sẽ lại trở thành "con dê tế thần" của chính phủ Trung Quốc. 

"Bắc Kinh cần ai đó họ có thể phác họa như một kẻ dân tộc chủ nghĩa và cực hữu", ông nói.

Dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản có thể tạm bỏ những căng thẳng lâu năm qua một bên. Không có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề Triều Tiên sẽ được giải quyết trong tương lai gần. Tất nhiên, khi dẹp bỏ được nỗi lo về Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản ngay lập tức sẽ trở về thế đối đầu cả về lãnh thổ lẫn kinh tế.

Nhưng lúc đó thì ông Abe không còn là thủ tướng nữa rồi, South China Morning Post nhận định.

Hashtag tuần qua: Cấm vận của Mỹ với Triều Tiên sẽ hiệu quả? Ngoài nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Mỹ còn đơn phương trừng phạt Triều Tiên, nhưng liệu những biện pháp này có tác dụng với một Bình Nhưỡng "nhiều kinh nghiệm" đối phó với cấm vận?

Người phụ nữ thách thức Thủ tướng Abe

Thủ tướng Shinzo Abe như tự tin về khả năng chiến thắng khi quyết tổ chức tổng tuyển cử vào tháng tới nhưng kế hoạch của ông gặp trở ngại lớn vì một người phụ nữ.

Thủ tướng Abe giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử sớm

Thủ tướng Shinzo Abe thông báo giải tán Hạ viện và công bố bầu cử sớm vào tháng tới để tận dụng lợi thế tỷ lệ tín nhiệm tăng trong khi đảng đối lập ở Nhật đang rối loạn.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm