Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Căng thẳng Trump - Lầu Năm Góc khiến nhiều tướng tính chuyện rời đi

Việc từ chức của Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer chỉ là va chạm mới nhất giữa các lãnh đạo quân sự và Tổng thống Trump, người nhiều lần phớt lờ hoặc làm trái lời khuyên của họ.

Tổng thống Donald Trump nhậm chức với lời hứa cởi trói cho các chỉ huy quân đội sau nhiều năm quản lý chặt chẽ dưới thời ông Obama.

Nhưng hiện tại, ông phải đối mặt sự chia rẽ với các lãnh đạo Lầu Năm Góc sau khi áp đảo họ bằng một loạt quyết định - từ rút quân khỏi Trung Đông và sử dụng ngân sách quốc phòng cho bức tường biên giới đến quyết định kỷ luật các tướng lĩnh.

Ngay cả trước khi Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer bị buộc từ chức vào cuối tuần này, một số quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc đã tranh luận về việc ra đi vì những gì họ coi là sự xem thường hệ thống cấp bậc của ông Trump, hai quan chức cấp cao nói với Politico.

Can thiệp quy trình kỷ luật của quân đội

Ông Spencer từ chức dưới áp lực vào ngày 24/11 sau khi bị Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khiển trách vì nỗ lực vụng về, lén lút nhằm chống đối lệnh của ông Trump để Hải quân ngừng thủ tục kỷ luật đặc nhiệm SEAL Petty Officer Edward Gallagher, người bị buộc tội vì chụp ảnh với thi thể một chiến binh ở Iraq.

Tuy nhiên, vụ việc chỉ là va chạm mới nhất giữa ông Trump và các lãnh đạo Lầu Năm Góc, sau khi tổng thống phớt lờ hoặc làm trái lời khuyên của họ để rút quân khỏi Syria, cấm người chuyển giới nhập ngũ và tài trợ biên giới Mỹ - Mexico.

Tong thong Trump sa thai tuong quan doi anh 1
Tổng thống Donald Trump và Richard Spencer, khi đó là Bộ trưởng Hải quân và quyền Bộ trưởng Quốc phòng, trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng vào ngày 16/7. Ảnh: Washington Post.

Các lãnh đạo quân sự cũng phải dọn dẹp các lùm xùm chính trị liên quan đến tổng thống, bao gồm việc Nhà Trắng có thể đã tìm cách che tên của tàu khu trục USS John S. McCain khi ông Trump đến thăm Nhật Bản vào mùa xuân năm ngoái.

Hôm 25/11, ông Spencer bày tỏ bất bình vì sự can thiệp của tổng thống trong vụ Gallagher. "Điều đó gửi thông điệp gì tới các binh sĩ? Rằng họ có thể thoát tội. Chúng ta phải có trật tự và kỷ luật tốt. Đó là xương sống của quân đội", ông nói với CBS.

Các chỉ huy của ông Trump có nhiều cách để đối phó với lệnh của tổng thống, thường được chuyển qua Twitter - đáng kể nhất là trong trường hợp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người từ chức tháng 12/2018 sau khi tổng thống ra lệnh rút toàn bộ quân khỏi Syria.

Hiện tại, các nhà quan sát đang tò mò về số phận của Chuẩn Đô đốc Collin Green, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt Hải quân, chuyên giám sát các biệt kích hải quân SEAL tinh nhuệ.

Giống như ông Spencer, ông Green ủng hộ kế hoạch xem xét kỷ luật có thể dẫn đến việc loại Gallagher khỏi SEAL - quy trình mà ông Esper hủy bỏ sau khi ông Trump can thiệp.

Một điểm đột phá tiềm năng khác có thể liên quan đến quyết định sắp tới của quân đội là việc có nên khôi phục vị trí trong lực lượng đặc biệt của Thiếu tá Mathew Golsteyn, người được ông Trump xá tội giết một thường dân ở Afghanistan, hay không.

Tong thong Trump sa thai tuong quan doi anh 2
Bộ trưởng Hải quân sắp mãn nhiệm Richard Spencer. Ảnh: AP.

Vài giờ trước khi từ chức dưới áp lực, ông Spencer thừa nhận với Politico rằng ông Trump và các nhà lãnh đạo quân sự bất đồng về một loạt vấn đề trong những tháng gần đây dù ông đã cố gắng gạt bỏ suy nghĩ hai bên đang mâu thuẫn.

"Lương tâm không cho phép tôi tuân theo mệnh lệnh mà tôi cho rằng vi phạm lời thề thiêng liêng của tôi trước sự chứng kiến của gia đình, lá cờ và đức tin để ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Mỹ", ông viết, dường như đề cập đến việc ông Trump kiên quyết giữ lại Gallagher trong lực lượng SEAL.

Sự chia rẽ ngày càng tăng

Ông Trump biện hộ cho sự can thiệp của ông trong các trường hợp của quân đội tinh nhuệ. Ông nói với các phóng viên hôm 25/11 rằng ông đang bảo vệ các chiến binh của Mỹ trước các thủ tục "rất không công bằng".

"Chưa bao giờ có một tổng thống đứng lên vì họ như tôi đã làm", ông Trump phát biểu trong Phòng Bầu dục.

Quan hệ của ông Trump với Lầu Năm Góc khác xa so với thời kỳ đầu của chính quyền, khi các nhà lãnh đạo quân sự tin rằng ông đã trao cho các tướng lĩnh quyền lực lớn hơn để đưa ra quyết định theo thẩm quyền của chính họ, so với sự quản lý áp đặt hơn của cựu Tổng thống Barack Obama.

Điều đó bao gồm việc cho phép ông Mattis loại Nhà Trắng khỏi các động thái như khởi động chiến dịch chống lại các mục tiêu IS và al-Qaida ở Trung Đông.

Nhưng sự can thiệp của tổng thống trong các hoạt động quân sự đã tăng lên - đầu tiên là ở trong nước và gần đây là ở nước ngoài.

Tong thong Trump sa thai tuong quan doi anh 3
Tổng thống Donald Trump thảo luận về các hoạt động quân sự với Tướng Joseph Votel, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, và Tướng Raymond A. "Tony" Thomas, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đặc biệt Mỹ tại MacDill, AFB, Florida, ngày 6/2/2017. Ảnh: DoD.

"Dưới thời Obama, chúng tôi bất mãn vì đó là quy trình kéo dài, cồng kềnh. Giờ chúng tôi bất mãn vì ông Trump đưa ra những quyết định nhanh chóng, bất ngờ, thiếu đồng bộ", một cựu sĩ quan quân đội cao cấp từng phục vụ dưới thời Trump cho đến đầu năm nay, cho biết.

Trung tướng về hưu Michael Nagata đồng ý rằng những thất vọng là có thật.

"Tổng thống và các lãnh đạo cấp cao của ông dường như ít quan tâm đến phản hồi của các sĩ quan thực địa", ông Nagata, người từng giám sát cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, cho biết.

Trong năm 2017 và 2018, ông Trump liên tục truyền lệnh đến Lầu Năm Góc, bao gồm lời hứa loại bỏ người chuyển giới khỏi lực lượng quân đội, quyết định thành lập Lực lượng Không gian, yêu cầu diễu hành quân sự ở Washington D.C và triển khai hàng nghìn binh sĩ đến biên giới Mỹ - Mexico trước bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông đã nhiều lần đụng độ với các tướng lĩnh về số lượng quân đội ở Syria khi các lãnh đạo và chỉ huy Lầu Năm Góc khẳng định việc rút quân đột ngột sẽ trao quyền cho IS (Quân đội Mỹ vẫn ở lại Syria, theo những gì ông Trump mô tả là sứ mệnh bảo vệ dầu mỏ). Ở Afghanistan, ông đe dọa đột ngột rút quân bất chấp lời khuyên của Tham mưu trưởng Liên quân.

Một số lãnh đạo quân đội lo sợ sự chia rẽ sẽ mở rộng sau vụ việc của Gallagher.

"Tổng thống Trump luôn có cố vấn riêng và ở mức độ nào đó xem thường Bộ Quốc phòng nhưng nó đang leo thang và tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục leo thang, đặc biệt trong bối cảnh chính trị như luận tội. 

Tôi đoán ông ấy sẽ tiếp tục thắt chặt sự kìm kẹp của mình đối với Lầu Năm Góc như ông ấy đã làm trong năm qua", cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Hagel, người từng là bộ trưởng quốc phòng dưới thời Obama, nói với Politico.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ bị sa thải sau tranh cãi với Nhà Trắng

Lãnh đạo Lầu Năm Góc Mark Esper ngày 24/11 ra quyết định sa thải quan chức hàng đầu của hải quân Mỹ liên quan đến vụ kỷ luật một sĩ quan đặc nhiệm SEAL đầy tai tiếng.

Tổng thống Trump bỏ rơi Phòng Bầu dục, chuyển sang làm việc ở tư dinh

Mệt mỏi trước các thủ tục luận tội chống lại mình, ông Trump ngày càng xa rời văn phòng làm việc chính thức ở Nhà Trắng và chuyển tới làm việc trong dinh thự để tránh bị nhòm ngó.

Tuyết Mai

Theo Politico

Bạn có thể quan tâm