Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cảng Cam Ranh sẽ ngăn mưu đồ bá quyền ở Biển Đông'

Nhận định với Zing.vn, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm và Thiếu tướng Lê Mã Lương đánh giá cao vai trò phòng thủ của cảng Cam Ranh trong việc ngăn Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông.

- Cảng Cam Ranh có vị trí như thế nào trong sách lược quân sự của Việt Nam, thưa ông?

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Cam Ranh có vị trí chiến lược không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều nước khác ở trong và ngoài khu vực. Xét về mặt địa lý, Cam Ranh là một vịnh rộng, nước sâu, kín gió, có khả năng chống được bão to. Trong khi đó, khu vực Cam Ranh hiếm khi có bão lớn trên cấp 9. Vì thế, tàu thuyền neo đậu ở đây rất an toàn.

cang Cam Ranh chan su hung hang cua Trung Quoc anh 1

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm,

cựu giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam

. Ảnh: Tuổi trẻ

Xét về mặt quân sự, Cam Ranh có địa thế vô cùng đặc biệt. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng thủ nhưng lại vô cùng dễ dàng cho các nhiệm vụ tấn công trên biển. Ngoài ra, tàu chiến từ Cam Ranh có thể di chuyển ra Biển Đông một cách nhanh chóng, giúp tăng cường khả năng kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch này và bảo vệ chủ quyền.

- Thiếu tướng Lê Mã Lương: Cam Ranh là một vịnh thiên nhiên có diện tích hơn 13.800 ha, nước sâu 16-25 m, có nơi sâu hơn 30 m. Vùng nước sâu nhất là 31 m. Hàng không mẫu hạm và hàng trăm tàu có thể neo đậu và ra vào trong cảng Cam Ranh. Cam Ranh không có đá ngầm, núi cao trên 1.000 m bao phủ, che chắn bên ngoài, sâu bên trong là đất liền. Bên trong Cam Ranh là dải đất nối liền từ thành phố Nha Trang tới cụm cảng Cam Ranh hàng trăm km. Đây là khu vực vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu và tạo ra thế trận phòng thủ vững chắc.

cang Cam Ranh chan su hung hang cua Trung Quoc anh 2

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương, giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: 

Hải Anh

Với địa thế như vậy, Cam Ranh là căn cứ cho các tàu hải quân xuất phát làm nhiệm vụ ở Trường Sa, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời bảo vệ ngư dân đánh cá, tài nguyên biển.

Ngoài thế mạnh là phòng thủ tại chỗ, Cam Ranh giống như điểm phòng thủ cho khu vực Tây Nguyên và toàn bộ Nam Trung Bộ và khu vực miền Nam. Có thể ví cảng Cam Ranh là "bảo bối" để đảm bảo phòng thủ đất nước và Biển Đông. Đây cũng chính là những lý do khiến các nhà quân sự nước ngoài, đặc biệt là các cường quốc hải quân, đánh giá rất cao cảng Cam Ranh.

Dễ dàng tiếp cận Biển Đông

- Theo phía Nhật Bản thông báo, hai tàu chiến của nước này sẽ cập cảng Cam Ranh trong thời gian tới. Không chỉ Nhật mà Nga, Mỹ và các nước khác đều muốn hiện diện ở Cam Ranh. Đâu là lý do quan trọng nhất, thưa ông?

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trong quá khứ, Hải quân Pháp đã sớm nhận ra vị thế chiến lược của Cam Ranh. Các quốc gia khác cũng có nhận định tương tự với vùng biển này. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ xem Cam Ranh là căn cứ liên hiệp quan trọng. Họ duy trì một số lượng lớn khí tài ở khu vực này. Sau khi Mỹ rút, Liên Xô ngay lập tức ngỏ ý muốn sử dụng Cam Ranh làm căn cứ hải quân. Tuy nhiên, phải tới tháng 11/1978, Việt Nam mới đồng ý cho họ vào.

Tuy nhiên, ngay sau sự hiện diện của hải quân Liên Xô, Trung Quốc lên tiếng và cay cú cho rằng Việt Nam cho “cường quyền” Liên Xô vào Cam Ranh để bao vây Trung Quốc. Sự tranh giành giữa các nước lớn cho thấy bên nào cũng thèm muốn Cam Ranh vì đường xuất kích đặc biệt hướng ra Biển Đông.

Theo lời các chuyên gia quân sự, tàu ngầm sử dụng nhiên liệu diesel xuất kích từ Cam Ranh có thể khống chế cả một tuyến hàng hải rộng lớn từ Singapore tới Trung Quốc, Nhật Bản hay xa hơn là Nga. Ở thời điểm hiện tại, đây là tuyến đường hàng hải huyết mạch nhất thế giới.

Nếu Trung Quốc được sử dụng Cam Ranh, Bắc Kinh không cần hao tiền, tốn của để bồi lấp và xây dựng căn cứ quân sự trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên thực tế, những căn cứ trên biển của Trung Quốc có rất nhiều điểm yếu. Chúng không thể so sánh với vị thế đặc biệt cả về tấn công lẫn phòng thủ của Cam Ranh.

cang Cam Ranh chan su hung hang cua Trung Quoc anh 3

Vị trí Cam Ranh trên bản đồ. Đồ họa: Google

- Thiếu tướng Lê Mã Lương: Đằng sau các chuyến ghé thăm của tàu nước ngoài tới Cam Ranh, chúng ta có thể thấy, các cường quốc hải quân trên thế giới đặc biệt quan tâm tới cảng.

Trong lịch sử, cảng Cam Ranh từng là nơi đồn trú của các tàu Mỹ và Nga, hai nước này đều muốn hiện diện lâu dài tại đây. Tuy nhiên, Việt Nam không cho bất kỳ nước nào thuê đặt căn cứ quân sự, và chỉ cho phép các tàu quân sự cập cảng để hưởng các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, sửa chữa, tiếp nhiên liệu hay thực phẩm...

Ưu thế nổi bật nhất là Cam Ranh là cảng nước sâu, được bao bọc bởi các dãy núi. Ngoài ra, cửa chính ra vào cảng khoảng 4.000 m. Đặc điểm này cho phép 10-20 tàu cùng ra vào một lúc. Một tàu lắp động cơ diesel chạy với vận tốc tối đa là 10 tới 15 km/h, từ vịnh ra cửa chỉ mất một khoảng thời gian ngắn ra tới Biển Đông. Tương tự như vậy, tàu ngầm cũng có thể nhanh chóng vượt ra Biển Đông, Thái Bình Dương. 

Cam Ranh với vị thế đặc biệt về quân sự, nếu kết hợp với căn cứ Subic và Clark của Philippines sẽ trở thành một chuỗi căn cứ có thể chi phối Biển Đông. Bản thân Trung Quốc cũng thấy được điều này.

- Cảng quốc tế Cam Ranh vừa được khánh thành đủ khả năng đón tiếp hàng không mẫu hạm của Mỹ. Công trình này mang lại cho chúng ta những lợi thế gì, thưa ông?

- Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Việt Nam xây dựng căn cứ Hải quân ở Cam Ranh. Đây là điểm quan trọng nhất khi nói về khu vực này. Tuy nhiên, Cam Ranh rất rộng lớn, có nhiều tiềm năng khai thác khác nên chúng ta đã đầu tư xây dựng Cảng dịch vụ hậu cần kỹ thuật để có thể đón tiếp các loại tàu nước ngoài, trong đó có cả tàu quân sự, tàu dân sự, hay thậm chí là tàu sân bay của Mỹ.

Tuy nhiên, mọi tàu muốn vào Cam Ranh cần phải được sự chấp thuận của Việt Nam. Các tàu cũng phải chi trả cho các dịch vụ một cách sòng phẳng. Chúng ta sẵn sàng đón tàu quân sự của tất cả các nước, bao gồm Trung Quốc, nếu họ vào với mục đích hòa bình và chính đáng.

cang Cam Ranh chan su hung hang cua Trung Quoc anh 4

Tàu HQ-378 của hải quân Việt Nam neo đậu ở khu vực quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Lê Quân

Ngoài mục đích kinh tế, Cảng dịch vụ Cam Ranh còn có vai trò khác. Sự ra đời của cảng dịch vụ này sẽ làm tăng tình hữu nghị giữa Hải quân Việt Nam và hải quân các nước bạn cũng như làm giảm căng thẳng tiềm tàng trong khu vực.

Trong trường hợp đón tiếp các chiến hạm của hải quân Trung Quốc, Việt Nam sẽ thể hiện được sự yêu hòa bình, muốn duy trì ổn định trong khu vực. Nó có thể làm thay đổi nhận thức của binh sĩ hay người dân Trung Quốc về Việt Nam trước những sự việc đang diễn ra trên Biển Đông, nơi Trung Quốc liên tiếp gây hấn.

Tuy nhiên, các tàu hải quân vào Cam Ranh có thể nhằm mục đích do thám hoặc giám sát. Khi chúng ta đã xác định được điều này, việc chống các hoạt động tình báo của đối phương không quá khó khăn. Chúng ta hoàn toàn có thể giữ mình trước tàu nước ngoài có âm mưu do thám.

- Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tranh chấp Biển Đông ngày càng ẩn chứa những dấu hiệu nguy hiểm khiến Nga, Mỹ, Nhật Bản ngày càng chú ý tới vai trò của quân cảng Cam Ranh. Từ việc khánh thành cảng quốc tế, chúng ta thấy được những lợi thế sau:

Thứ nhất, cảng sẽ đóng vai trò lớn trong quá trình triển khai lực lượng ra khu vực trên Biển Đông. Thứ hai, khi chúng ta biết thu hút đầu tư, nâng cấp dịch vụ đạt tầm quốc tế, nó sẽ giúp Việt Nam tăng cường mối quan hệ dân sự và quân sự, củng cố vị thế đối tác chiến lược và nâng cao vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Thứ ba, cảng quốc tế Cam Ranh còn giúp quốc tế hóa giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Và cuối cùng, nó góp phần phòng thủ biển đảo, phát triển kinh tế biển, hợp tác hội nhập quốc tế - những vấn đề sống còn của quốc gia.

Chủ trương của Việt Nam hàng thập kỷ nay là không liên kết quân sự, không cho thuê cảng Cam Ranh. Chúng ta có kế hoạch dài hạn, căn bản, xuyên suốt để khai thác căn cứ này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang kết hợp yếu tố kinh tế và quốc phòng trong khu vực này để đẩy cảng Cam Ranh lên tầm cao mới, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất.

Tự do hàng hải, ngăn Trung Quốc lộng hành

- Cảng quốc tế Cam Ranh cho phép tàu quân sự nước ngoài ra vào thường xuyên hơn. Sự hiện diện này có thể giúp hạn chế yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông?

- Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm:  Tôi nghĩ việc ngăn cản Trung Quốc lộng hành là một trong những lợi ích khi xây dựng Cảng dịch vụ Cam Ranh. Việc tàu quân sự các nước cập cảng Cam Ranh để hỗ trợ hậu cần đưa Biển Đông trở về với vai trò một tuyến hàng hải quốc tế, nơi mọi quốc gia đều có thể sử dụng vì mục đích hòa bình.

Nó ngăn cản Bắc Kinh khẳng định cái gọi là chủ quyền trong khu vực. Việc làm của chúng ta ở Cam Ranh có thể ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

- Thiếu tướng Lê Mã Lương: Trung Quốc từng vu khống rằng Việt Nam sử dụng Cam Ranh để lôi kéo các nước lớn khác trong khu vực. Đây là những lời lẽ kích động, cho thấy thái độ hậm hực, trịnh thượng của Bắc Kinh.

Sự hiện diện của cảng quốc tế Cam Ranh có vai trò quan trọng trong tình hình hiện nay, đặc biệt là trước sự náo động của Trung Quốc trên Biển Đông. Cảng dịch vụ Cam Ranh có thể ngăn Bắc Kinh lộng hành trên biển.


Hồng Duy - Hải Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm