Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cam Ranh: Báu vật thiên nhiên thành đòn bẩy chiến lược

Trong bài viết gửi Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chuyên gia chính trị quốc tế, nhận định cảng Cam Ranh là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam bảo vệ hòa bình trên biển Đông.

Ngày 8/3 vừa qua, Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh, cung cấp dịch vụ cho cả tàu dân sự và quân sự nước ngoài. Vịnh Cam Ranh là một hòn ngọc quý thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam. Vịnh nằm giữa bán đảo Cam Ranh chạy dọc bờ biển tỉnh Khánh Hòa, được bao bọc bởi nhiều đảo từ phía biển và những ngọn núi cao 400 m từ phía đất liền.

Vịnh Cam Ranh có diện tích rộng 60 km2, nước sâu 16-25 m, có nơi sâu 32 m, cửa vịnh nước sâu hơn 30 m và rộng 4.000 m. Cam Ranh còn nổi tiếng là vịnh kín gió. Cấu tạo địa hình ấy tạo cho vịnh Cam Ranh một vị thế độc nhất vô nhị bên các bờ của Biển Đông, có thể đón nhận nhiều tàu lớn trú ngụ, tiếp liệu và sửa chữa. Một quân cảng được hỗ trợ bởi một sân bay quân sự sẽ tạo thành một tổ hợp quân sự hoàn hảo.

Núi cao có thể đặt các trạm ra đa bao quát những vùng biển rộng lớn bán kính hàng nghìn cây số. Dưới vịnh có thể đào những đường hầm vào sâu lòng núi để cất giấu tàu ngầm. Địa thế của vịnh Cam Ranh có thể nói là có công có thủ. Từ cảng Cam Ranh tàu buôn và chiến hạm có thể nhanh chóng tiếp cận các con đường biển huyết mạch của thế giới ngang qua biển Đông.

Cang quoc te Cam Ranh la tai san chien luoc anh 1

Tàu ngầm của hải quân Việt Nam neo đậu tại cầu cảng quân cảng Cam Ranh Ảnh: Lê Quân


Quốc tế chưa bao giờ ngừng quan tâm

Đối với các quốc gia hàng hải trên thế giới, biển Đông hiện là điểm nóng vô cùng quan trọng. Trung tâm của cuộc tranh chấp tại biển Đông chính là việc kiểm soát các tuyến đường giao thông biển quan trọng, là hoạt động thu thập thông tin tình báo của các tàu nổi, tàu ngầm và máy bay quân sự.

Các đường giao thông trên biển này có vai trò quan trọng như các siêu xa lộ hàng hải đối với các quốc gia trong vùng, như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, miền Viễn Đông Nga và các nước khác, cũng như đối với thương mại toàn cầu. Một vấn đề quan trọng khác đối với mọi quốc gia giáp biển là quyền sở hữu đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu khí và thủy sản.

Biển Đông nằm ở trung tâm hàng hải của Đông Nam Á, bao quanh một trong các khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới. Các cảng biển, vận tải biển và các dịch vụ phụ trợ hàng hải đã có sự phát triển nhanh chóng. Hàng năm có một lượng hàng hóa trị giá hơn 5.000 tỷ USD lưu thông qua khu vực này.

Vịnh Cam Ranh từ mấy năm qua đã được từng bước nâng cấp để tham gia vào mạng lưới dịch vụ quốc tế ở khu vực. Từ trước đến nay, sự quan tâm của các cường quốc biển, trong đó có Mỹ, Nga, Ấn Độ và Nhật đối với quân cảng Cam Ranh chưa bao giờ vơi đi. Washington coi căn cứ Cam Ranh là một cơ sở đảm bảo cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ, cũng như phục vụ cho chuỗi cung ứng hậu cần của hạm đội Thái Bình Dương.

Các tranh chấp trên biển Đông ban đầu là sự tranh chấp chủ quyền biển đảo và địa chính trị - kinh tế. Nhưng thời gian qua, tại biển Đông xuất hiện nhiều diễn biến mới phức tạp. Với việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và xây dựng các tổ hợp quân - dân sự trên các đảo nhân tạo này, biển Đông đã trở thành vấn đề bảo vệ tự do thông thương hàng hải toàn cầu.

Tranh chấp trên biển Đông ngày càng leo thang, ẩn chứa các mầm mống xung đột gay gắt. Do đó, giới hoạch định chiến lược hải quân của các nước lớn càng chú trọng tới vai trò của quân cảng Cam Ranh. Nhiều chuyến thăm mang tính biểu tượng cao của các quan chức quân dân sự một số nước đã diễn ra tại Cam Ranh trong những năm gần đây.

Cang quoc te Cam Ranh la tai san chien luoc anh 2

Tàu HQ-378 của hải quân Việt Nam neo đậu ở khu vực quân cảng Cam Ranh Ảnh: Lê Quân

Giải quyết tranh chấp biển Đông, phòng thủ biển đảo

Từ những năm qua, chủ trương của Việt Nam xây dựng Cam Ranh mang định hướng dân sự và quân sự. Quốc tế hóa hoạt động dịch vụ thương mại và dịch vụ phụ trợ hàng hải tại cảng Cam Ranh vừa qua đã được thúc đẩy một bước. Trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh cho cả hoạt động quốc tế về thương mại và quân sự, trong đó có hoạt động cập cảng, sửa chữa tàu hải quân của nước ngoài.

Đó là một chủ trương kịp thời, sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với đường lối đối nội và đối ngoại đã được đề ra. Việt Nam đã có kế hoạch nhiều mặt. Thứ nhất là thu hút đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở này trở thành một cảng dịch vụ then chốt, góp phần vào việc thúc đẩy thương mại, quan hệ với các nước khác.

Về quân sự, quân cảng Cam Ranh, sau khi được nâng cấp, sẽ đóng vai trò lớn trong việc triển khai lực lượng hải quân ra khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Quan trọng hơn, bằng việc cho các nước tiếp cận cảng Cam Ranh, Việt Nam có cơ hội để tăng cường mối quan hệ quân sự với các nước đó, củng cố vị thế đối tác chiến lược và nâng cao vai trò trong khu vực.

Đồng thời, trong tình hình nóng bỏng hiện nay, mở rộng hoạt động dịch vụ quốc tế tại cảng Cam Ranh góp phần có ý nghĩa vào việc quốc tế hóa việc giải quyết tranh chấp biển Đông, biến biển Đông thành vùng biển hòa bình, thịnh vượng, tự do thông thương hàng hải. Việc Việt Nam trở thành một thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì càng phải có trách nhiệm thực hiện  tự do thông thương hàng hải ở biển Đông.

Phù hợp với vị trí địa - chiến lược của mình, Việt Nam thực hiện “3 không”: không liên minh quân sự, không đặt các căn cứ quân sự của nước ngoài, không đi với nước này chống nước khác. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện “một có”. Đó là sử dụng tất cả các đòn bẩy chiến lược và chiến thuật để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.

Vịnh Cam Ranh là một tài sản chiến lược của Việt Nam, có một thời đã ngủ quên hoặc không được sử dụng và khai thác ngang tầm cỡ của nó. Ngày nay, việc biến tài sản chiến lược ấy thành một đòn bẩy chiến lược phục vụ đắc lực cho quốc tế hóa việc giải quyết vấn đề biển Đông, cũng như nhiệm vụ phòng thủ biển đảo, phát triển kinh tế biển của nước ta, và hợp tác hội nhập quốc tế, là vấn đề khẩn cấp.

Việc khai trương cảnh quốc tế Cam Ranh là bước đi cụ thể và cần thiết tới mục tiêu đó.

 



Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược & phát triển quốc tế (CSSD)

Bạn có thể quan tâm