Alexandroupoli là bến cảng ở một thành phố nhỏ ven biển của Hy Lạp và không giống như một điểm nóng địa chính trị. Nó hầu như không được sử dụng cách đây vài năm, theo New York Times.
Tuy nhiên, cảng Alexandroupoli, vốn không mấy nhộn nhịp, đã đóng vai trò trung tâm trong việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Âu. Lầu Năm Góc vận chuyển những kho vũ khí khổng lồ qua cảng này.
Dòng chảy vũ khí đó đã không chỉ "chọc giận" Nga, mà còn Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đang định hình lại các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao của châu Âu.
Vào tháng 10/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow lo ngại về kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, theo TASS.
Theo một thỏa thuận với Hy Lạp, quân đội Mỹ được phép sử dụng căn cứ không quân Larissa và cảng Alexandroupoli ở phía đông bắc nước này.
Cạnh tranh quyền kiểm soát
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO. Tuy nhiên, họ có bất đồng lâu dài, trong đó có xung đột về đảo Cyprus và tranh chấp lãnh thổ ở Địa Trung Hải. Ankara coi mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Athens và Washington là một mối đe dọa tiềm tàng.
Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp, hầu hết nước láng giềng Balkan và cư dân địa phương, hoan nghênh việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự. Họ hy vọng Mỹ sẽ kích thích nền kinh tế khu vực và đảm bảo an ninh trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.
“Chúng tôi là một đất nước nhỏ. Thật tốt khi có một nước lớn bảo vệ chúng tôi”, Yiannis Kapelas, 53 tuổi, chủ quán cà phê ở Alexandroupoli, cho biết.
Quân đội Mỹ ở cảng Alexandroupoli vào năm ngoái. Ảnh: New York Times. |
Bốn công ty đang cạnh tranh để giành được cổ phần kiểm soát cảng này, trong đó có hai công ty Mỹ và hai công ty có liên quan đến Nga.
Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Hy Lạp đã gia tăng kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine. Các quan chức hàng đầu của Moscow và Ankara đã gọi đó là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Lợi ích đan xen phức tạp tại cảng Alexandroupoli cũng cho thấy chiến sự tại Ukraine đang chuyển đổi trọng tâm chiến lược của châu Âu sang khu vực biển Đen.
“Biển Đen đã trở lại trong chương trình nghị sự toàn cầu theo cách chưa từng có”, Ilian Vassilev, cựu Đại sứ Bulgaria tại Moscow, nhận định.
Hy Lạp có mối quan hệ lịch sử, kinh tế và văn hóa sâu sắc với Nga. Các cuộc thăm dò cho thấy Hy Lạp là một trong số ít những quốc gia châu Âu muốn duy trì quan hệ kinh tế với Moscow. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến mối quan hệ đó trở nên căng thẳng.
Chính phủ của Hy Lạp là một trong những nước đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho Ukraine. Động thái này đã khiến Điện Kremlin đưa nước này vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”.
Những lo ngại về Thổ Nhĩ Kỳ và sự đoàn kết với Ukraine đã đẩy Athens xích lại gần Washington. Hy Lạp cũng đã cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận quân sự ở một số địa điểm.
Thay đổi bộ mặt thị trấn
Số lượng khí tài Mỹ chuyển qua Alexandroupoli đã tăng gần 14 lần vào năm ngoái. Giới chức Mỹ cho biết số khí tài này chỉ dành cho các đơn vị quân đội Mỹ đóng quân ở Đông và Bắc Âu, không dành cho Ukraine.
Hoạt động tăng vọt là một sự thay đổi mạnh mẽ đối với một cảng nhỏ hầu như không hoạt động trong gần một thập kỷ.
"Tâm trạng uể oải" của thị trấn cứ thay đổi vài tháng một lần, khi tàu chiến Mỹ cập cảng để dỡ xe tăng, xe tải và pháo binh. Sự xuất hiện của hàng trăm người Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu trứng và thuốc lá theo chu kỳ. Nhiều người cũng phải đứng chờ đợi trước tiệm xăm.
Giữa những đợt vận chuyển đó, rất ít dấu hiệu chỉ ra tầm quan trọng mới của thành phố. Vận chuyển hàng hóa dân dụng vẫn ở mức tối thiểu vì thiếu cần trục lớn, nhưng Lầu Năm Góc đang lắp đặt các thiết bị hạng nặng để vận chuyển nhiều hàng hơn.
Chính quyền địa phương hy vọng sự nâng cấp về mặt quân sự tại cảng sẽ thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp khác. Ảnh: New York Times. |
“Những gì chúng tôi đã làm là biến cảng thành một trung tâm hoạt động quân sự năng động. Đó là điều chưa từng được thực hiện trước đây”, Andre Cameron, người giám sát hậu cần quân sự của Mỹ tại cảng, cho biết.
Các quan chức địa phương hy vọng sự nâng cấp về mặt quân sự tại cảng sẽ thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp khác, biến Alexandroupoli thành một trung tâm thương mại cho Bulgaria, Romania lân cận và thậm chí là cả Ukraine.
Ông John Charalambakis, doanh nhân người Mỹ, cho biết mối quan tâm của ông đối với cảng bắt đầu vào năm 2018.
Lúc đó, Geoffrey Pyatt, Đại sứ của Washington tại Hy Lạp vào thời điểm đó, nói với ông rằng các công ty Mỹ cần bắt đầu cạnh tranh với Nga và Trung Quốc để có ảnh hưởng ở đây.
Chuyến thăm bất ngờ tới Alexandroupoli của Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 17/8 đã nêu bật sự quan tâm ngày càng tăng của Washington với cảng này.
Giới chức và doanh nhân địa phương hy vọng cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng trong khu vực sẽ biến cảng thành một tuyến hàng hải thay thế để đến biển Đen.
Konstantinos Chatzikonstantinou, Giám đốc điều hành của Cảng vụ Alexandroupoli, cho biết: “Mọi cuộc khủng hoảng đều tạo ra cơ hội".