Đảo Hans nằm tại eo biển Nares, giữa đảo Greenland của Đan Mạch và đảo Ellesmere của Canada. Hòn đảo này rộng 1,2 km2 và không có người sinh sống. Trước đây, cả Canada và Đan Mạch đều tuyên bố chủ quyền với đảo Hans, theo Guardian.
Năm 1973, hai nước ký thỏa thuận phân chia biên giới tại eo biển Nares. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung về chủ quyền với đảo Hans, hai nước quyết định để vấn đề này lại.
Trong nhiều năm sau đó, đảo Hans đã trở thành đối tượng trong "cuộc chiến whisky" giữa hai nước.
Đảo Hans. Ảnh: Guardian. |
Quan chức Greenland là người đầu tiên khơi mào cuộc chiến này vào năm 1984, khi dựng quốc kỳ của Đan Mạch trên hòn đảo, đồng thời chôn dưới chân cột cờ một chai rượu của Đan Mạch và để lại thông điệp: "Chào mừng đến với hòn đảo của Đan Mạch".
Giới chức Canada sau đó phản ứng bằng cách dựng quốc kỳ của riêng mình và chôn kèm một vỏ chai rượu brandy của Canada.
Kể từ đó, quan chức hai nước tiếp tục dựng thêm nhiều lá cờ, chôn thêm nhiều chai rượu tại đảo Hans để khẳng định chủ quyền.
Vào cao điểm tranh cãi giữa hai nước, Canada và Đan Mạch đều mua các quảng cáo trên Google để tuyên truyền chủ quyền của mình với đảo Hans.
Ngày 14/6, hai nước đã nhất trí chấm dứt tranh chấp bằng một thỏa thuận phân chia hòn đảo.
"Thỏa thuận gửi đi thông điệp rằng các tranh chấp biên giới có thể được giải quyết bằng biện pháp thực dụng và hòa bình, giúp tất cả các bên đều thắng. Đây là tín hiệu quan trọng trong bối cảnh đang có quá nhiều chiến tranh và bất ổn trên thế giới", Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod nói.
Thỏa thuận phân chia đảo Hans sẽ chính thức có hiệu lực sau khi hai nước hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để cơ quan có thẩm quyền thông qua văn kiện này.