Đại sứ Canada tại Việt Nam và Đại biện Phái bộ Canada tại ASEAN trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 16/2. Ảnh: Quốc Đạt. |
Nhận định với Zing vào chiều 16/2, bà Vicky Singmin - Đại biện Phái bộ Canada tại ASEAN - cho biết ASEAN là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada. Liên quan đến nhận định trên, bà lý giải rằng khối đã đóng vai trò chủ chốt đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Bên cạnh đó, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cho biết cam kết của nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đặc biệt là với Việt Nam là lâu dài.
"Chúng tôi cam kết tăng cường quan hệ đối tác với các thành viên ASEAN và Việt Nam. Thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và quan hệ song phương, chúng ta có nhiều cơ hội mới để hợp tác cùng có lợi”, ông Steil phát biểu trước báo giới.
“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada là toàn diện, đầy tham vọng và mang tính dài hạn”, ông Steil chia sẻ thêm.
Trước đó, giới chức Canada ngày 27/11/2022 công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầu tiên của quốc gia này,được coi như khung chính sách để Canada tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Vai trò trung tâm của ASEAN
Nhận định với Zing về 5 trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada, Đại sứ Steil khẳng định rằng điều đó cho thấy Canada đang sử dụng tất cả công cụ ngoại giao sẵn có để đảm bảo đóng góp tích cực cho khu vực này.
Đối với Việt Nam, vị đại sứ nhận định đây là một trong số ít quốc gia mà "tất cả công cụ để tăng cường gắn kết của chúng tôi đều phù hợp".
Bên cạnh đó, ông Steil cũng kỳ vọng chiến lược này sẽ trở nên thực chất, đồng nghĩa với việc Canada cam kết đạt được kết quả thực sự với những sáng kiến cụ thể tại khu vực.
Bà Vicky Singmin - Đại biện Phái bộ Canada tại ASEAN. Ảnh: Đại sứ quán Canada tại Việt Nam. |
“Một khía cạnh khác khiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada trở nên khác biệt là việc nhấn mạnh vào việc xây dựng một tương lai xanh. Điều này bao gồm việc giúp các quốc gia trong khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như bảo vệ môi trường đại dương”, vị đại sứ chia sẻ.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, Canada đã khẳng định quan hệ với ASEAN ở tầm đối tác chiến lược. Theo chia sẻ của bà Singmin, việc nâng cấp quan hệ với ASEAN sẽ trở thành trọng tâm trong năm nay.
“Quan hệ đối tác chiến lược đồng nghĩa với rất nhiều thứ chúng ta có thể thực hiện cùng nhau thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược này được xây dựng phù hợp với tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hỗ trợ ba trụ cột của khối về an ninh chính trị, văn hóa xã hội và kinh tế”, bà nói với Zing.
Không những vậy, giáo sư Stephen Nagy - khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Christian Quốc tế - nhận định Canada hoàn toàn có thể đóng góp để làm nổi bật tính trung tâm của ASEAN, trong khi hoạt động trong các diễn đàn đa phương khác tại khu vực.
Ông không cho rằng hai điều này trái ngược, mà còn bổ sung cho nhau. "Việc tìm ra những cơ chế, quan hệ đối tác đa phương khác là nhằm đối phó với những thách thức khác", ông nói.
Việt Nam là mảnh ghép lớn của tương lai bền vững
Nhận định về mối quan hệ giữa Canada và Việt Nam, ông Steil cho biết để theo đuổi mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn và đối thoại sâu sắc hơn, hai nước đã có một cam kết mạnh mẽ để tăng cường thương mại song phương.
Bên cạnh đó, Canada là một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất, đóng góp cho sự phát triển, bền vững và thịnh vượng kinh tế của Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng sự gắn kết lâu dài đó với Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng và cải cách. Về biến đổi khí hậu, Canada là thành viên của G7 và Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JTEP) mà Việt Nam cũng đã tham gia”, ông nói thêm.
Đại sứ Steil đồng thời cho biết Canada sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa về mặt đầu tư tư nhân và hỗ trợ tài chính để đáp ứng các mục tiêu của Việt Nam.
Nhận định về quá trình phát triển xanh, ông Steil cho biết Việt Nam là một mảnh ghép lớn của một tương lai bền vững.
“Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Canada có lịch sử lâu dài hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch”, Đại sứ Steil cho biết.
Vậy làm thế nào để chúng ta chuyển từ sự phụ thuộc vào than đá sang các loại năng lượng bền vững hơn, ông Steil đặt câu hỏi.
Theo ông, Việt Nam cần công nghệ và đầu tư từ nước ngoài để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Canada đang trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực đó, ông cho biết.
Giáo sư Nagy chia sẻ với sinh viên Học viện Ngoại giao về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada. Ảnh: Đại sứ quán tại Việt Nam. |
Liên quan đến sự hỗ trợ của Canada với Việt Nam về khai thác đất hiếm, Đại sứ Steil khẳng định kinh nghiệm về khai thác bền vững của nước này có thể áp dụng tại Việt Nam để đảm bảo quá trình đó trở nên thân thiện với môi trường.
“Hơn thế nữa, Canada cũng đang đầu tư vào quá trình xử lý đất hiếm. Chúng tôi đã hợp tác với chính phủ Việt Nam thông qua Hội đồng Nghiên cứu Saskatchewan để bắt đầu thảo luận về những cách thức mà chúng ta không chỉ trao đổi đất hiếm, mà cả công nghệ để xử lý chúng”, ông nói với Zing.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 4/2022, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly nói nước này có thể cung cấp nguyên liệu thô quan trọng như đất hiếm để giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Ngoài ra, giáo sư Nagy cũng đánh giá cao về việc hợp tác giữa Canada và Việt Nam.
“Xét về sức mạnh toàn diện, Canada là một cường quốc tầm trung. Liên quan đến quy mô kinh tế, nguồn lực ngoại giao, Việt Nam cũng ở vị trí tương tự”, ông nói.
Theo ông, nỗ lực tạo ra liên minh của các cường quốc tầm trung là cần thiết, và Canada cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy điều đó nhằm cùng nhau giải quyết những thách thức.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.