Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Can thiệp hành chính vào doanh nghiệp Nhà nước làm méo mó thị trường'

Thủ tướng tán thành quan điểm vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước thì do HĐQT tự quyết và tự chịu trách nhiệm, Nhà nước không can thiệp hành chính vào doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp tổ ngày 23/11. Ảnh: Quochoi.

Ngày 23/11, Chính phủ trình Quốc hội Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi.

Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình, Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết Luật hiện hành thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quy định hiện nay cũng thể hiện sự "can thiệp hành chính" của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp

Dự thảo Luật sửa đổi xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Đồng thời, Dự thảo Luật mới cũng xác định, vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp, thay vì đồng nhất với tài sản của Nhà nước như cách hiểu trước đây.

"Việc này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn tạo ra môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh", Phó thủ tướng Lê Thành Long nói.

DNNN tu quyet,  quan ly von NN anh 1

Phó thủ tướng Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.

Dự thảo Luật cũng tăng phân cấp, quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Thay vì tập trung quyền quyết định ở Thủ tướng, dự thảo trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp.

Các dự án đầu tư thuộc nhóm A hoặc có tổng mức đầu tư vượt 50% vốn điều lệ sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, trong khi những dự án khác giao doanh nghiệp tự quyết định. Sự phân cấp này giảm tải công việc sự vụ cho Thủ tướng, đảm bảo vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn như một nhà đầu tư thực thụ, đồng thời tăng tính linh hoạt trong quá trình ra quyết định.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay Ủy ban tán thành quan điểm xây dựng Luật của Chính phủ, cho rằng dự luật thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp trong dự thảo luật chưa bao quát hết các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ lưu ý có quy định riêng doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, một số nội dung tại dự thảo chưa thực sự phù hợp với quan điểm "phân cấp, phân quyền" cho doanh nghiệp và còn can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công.

Do đó, Ủy ban đề nghị cần rà soát kỹ các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về khái niệm, về quản lý Nhà nước, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn của doanh nghiệp thì do HĐTV/HĐQTChủ tịch công ty quyết định và chịu trách nhiệm.

HĐQT quyết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Phát biểu tại thảo luận tổ sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chinh cho rằng mỗi mô hình quản lý, mỗi giai đoạn lịch sử có bối cảnh, yêu cầu đặt ra khác nhau. Tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại.

“Tôi suy nghĩ hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển. Nên tuân thủ quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp phải giao HĐQT chịu trách nhiệm quyết định, trên cơ sở bảo toàn và phát triển vốn, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát và công cụ đó phải rõ để người ta sáng tạo.

Về quản lý vốn đầu tư Nhà nước, Thủ tướng cũng đề nghị Luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền.

Điểm nổi bật của dự luật, theo Thủ tướng, là "đánh giá tổng thể chứ không đánh giá từng việc cụ thể".

Dẫn câu chuyện của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, Thủ tướng cho rằng không nhất thiết cái gì cũng phải đấu thầu, song họ làm vẫn đúng, vẫn hiệu quả. "Chúng ta cái gì cũng đấu thầu, nhưng cuối cùng đều quân xanh, quân đỏ và kỷ luật liên tục. Mình phải rút ra quy luật. Tại sao tư nhân không đấu thầu, cứ có năng lực là làm được, không phải xin xỏ", lãnh đạo Chính phủ nói.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng đối với doanh nghiệp Nhà nước khi đánh giá cần xem xét tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một. Mười quyết định đưa ra, có thể là 7-8 việc đúng, 1-2 việc sai. Theo Thủ tướng, đây là thực tiễn trong kinh doanh là "phải có được, có mất, không bao giờ được cả". Với dự án Luật này, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đánh giá theo quá trình nào cho phù hợp, có thể theo năm hoặc theo nhiệm kỳ vì kết quả không đến trong ngày một ngày hai.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho rằng nếu đi vào quản lý từng hành vi của doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc cán bộ chỉ sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhà nước lúc nào cũng "sợ buông ra", quy định thẩm quyền hẹp nhất để dễ quản lý. "Việc này dẫn đến mất quyền chủ động, khả năng cạnh tranh kém. Trong khi đó, sai phạm tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn xảy ra, lãnh đạo bị xử lý và tiền vẫn mất", đại biểu Ấn nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank cho rằng dự thảo vẫn thiếu những cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước phát huy vai trò đầu tàu, tiên phong, dám nắm bắt cơ hội, dám đầu tư vào các lĩnh vực mà tư nhân không dám làm. Theo ông, đối với những doanh nghiệp này, Nhà nước không nên đặt nặng mục tiêu lợi nhuận đơn thuần. Thay vào đó, vai trò của doanh nghiệp là khai phá giá trị mới cho nền kinh tế, mang tính đột phá ở các lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp phụ trợ, thay thế hàng nhập khẩu.

"Có những lĩnh vực mà hiện nay Việt Nam mới sản xuất được mỗi chiếc bu lông. Vì vậy, chúng ta cần có những doanh nghiệp Nhà nước thực hiện mục tiêu chính sách nhà nước, có vai trò chiến lược với định hướng dài hơi rất rõ ràng", đại biểu đề nghị.

Vốn FDI vào Việt Nam vượt 27 tỷ USD, Bắc Ninh, TP.HCM dẫn đầu

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt gần 27,3 tỷ USD sau 10 tháng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

19 'đầu tàu' doanh nghiệp Nhà nước dự kiến lãi 2 tỷ USD sau 9 tháng

Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 50.360 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.

19 'đầu tàu' doanh nghiệp Nhà nước dự kiến lãi 2 tỷ USD sau 9 tháng

Sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 50.360 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm