Việc truy tìm và xác định nguyên nhân của thảm họa này, như đã được định danh bởi chính Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ là nhiệm vụ giới chức chuyên môn và thậm chí là các nghiên cứu độc lập, mà điều này đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là Việt Nam đã có một quy trình ứng phó các thảm họa môi trường chưa khi chúng đang ngày càng trở thành thách thức mang tính thường xuyên không chỉ ở cấp độ quốc gia mà ở cả cấp độ khu vực và thế giới.
Tìm kiếm bằng từ khóa tiếng Việt cho ra kết quả một Quy trình ứng phó thảm họa, thiên tai của Bộ Y tế, một văn bản Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) và một số bản dịch tài liệu nước ngoài về quản trị và ứng phó khủng hoảng do các tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ.
Cá sông Gâm chết dạt bên bờ vì nước ô nhiễm. |
Phải cô đọng, dễ tiếp cận
Với từ khóa tiếng Anh hay tiếng Pháp chúng ta có thể thấy rất nhiều những văn bản chính thức của các quốc gia về quy trình ứng phó với các thảm họa môi trường.
Bằng tiếng Pháp có thể tìm thấy các văn bản của chính phủ Pháp, Bỉ hay Canada. Bằng tiếng Anh thì có các quy trình của Hoa Kỳ, Canada hay Singapore…
Điểm chung của các quy trình này là gì? Trước hết chúng là các văn bản hết sức cô đọng, dễ tiếp cận đối với mọi đối tượng từ cá nhân, cộng đồng đến các cơ quan chuyên môn và chức năng.
Các quy trình cũng xác định những nhận thức chung về những hiểm họa, nguy cơ đối với môi trường đến từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau như tự nhiên, y - sinh học, công nghiệp - công nghệ hay chính trị - xã hội…
Quy trình cũng đưa ra nhưng tiêu chuẩn về đánh giá nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường dựa trên những hệ lụy khi hiểm họa biến thành thảm họa dựa trên các tiêu chí về ảnh hưởng đến con người (tính mạng, an toàn, sức khỏe…), môi trường sinh thái, sinh kế của các cộng đồng, tài sản và năng lực duy trì và cung cấp dịch vụ trong vùng thảm họa.
Tiếp đó các cẩm nang ứng phó thảm họa chính thức này chỉ ra những cơ sở pháp luật, chính sách của quốc gia và thậm chí là quốc tế.
Những cơ sở pháp lý này, trong thảm họa xảy ra, nhanh chóng cho phép giới chức có trách nhiệm xác định được khuôn khổ pháp lý cho những hành động cần thiết nhằm ứng phó với thảm họa.
Cẩm nang cũng xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, từ địa phương đến trung ương, vai trò của các thể chế quyết sách, cơ cấu bộ máy ứng phó với thảm họa của quốc gia tương ứng với các cấp độ khủng hoảng được xác định bởi các tiêu chí cụ thể xác định rõ trong văn bản.
Các nguồn lực vật chất, con người, các chính sách cụ thể tương ứng với từng khía cạnh của khủng hoảng cũng được xác định rõ chẳng hạn về nguồn lực dự phòng quốc gia về lương thực, thuốc men, chính sách bảo hiểm, hỗ trợ, bồi thường thiệt hại về vật chất do thảm họa gây ra….
Cuối cùng, và hết sức quan trọng, là hệ thống, quy trình cảnh báo, ứng phó với khủng hoảng tương ứng với các cấp độ nguy hiểm của thảm họa cũng như quy mô của thảm họa.
Tùy theo mức độ nguy hiểm, các cấp độ cảnh báo có thể là tình trạng khẩn cấp, tình trạng thảm họa và tùy theo quy mô ảnh hưởng vệ địa lý thì đó có thể là tình trạng khẩn cấp ở mức độ cộng đồng, vùng lãnh thổ, quốc gia, khu vực hay quốc tế.
Nhiều nghiên cứu xác định quy trình ứng phó thảm họa môi trường 5 bước: Chuẩn bị và giảm thiểu nguy cơ; Ứng phó thảm họa; Phục hồi môi trường và sinh kế, y tế cộng đồng; Tái cấu trúc năng lực quản lý và ứng phó thảm họa; Phòng ngừa nguy cơ tái diễn.
Mục tiêu của quy trình được tổ chức WHO khuyến cáo là giảm thiểu và ngăn ngừa các thiệt hại cả về con người và vật chất có thể có do hiểm họa gây ra, trong đó ưu tiên cao nhất là tính mạng và an toàn của con người.
Thêm nữa là đảm bảo cung cấp sự hỗ trợ liên tục và thích đang đối với những bên thiệt hại; tái lập nhanh chóng và bền vững môi trường, sinh kế của các cộng đồng tại nơi bị thảm họa.
Những hành động cấp bách khi thảm họa xảy ra?
Chưa bàn sâu về toàn bộ 5 giai đoạn quản lý và ứng phó thảm họa nêu ở trên mà chỉ đi vào giai đoạn thứ 2, tức là ứng phó khi thảm họa xảy ra để xem những hành động cấp bách phải tiến hành là gì?
Với mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu các thiệt hại trong đó thiệt hại về con người được đặt lên hàng đầu, quy trình ứng phó giai đoạn 2 đặt ra những tiêu chí theo thứ tự ưu tiên.
Đó là tìm kiếm cứu nạn đối với mọi nạn nhân của thảm họa không có sự phân biệt đối xử; Quản lý các nguy cơ lây nhiễm, tai nạn dây chuyền do tác động của thảm họa thông qua truyền thông, các cơ chế chính sách, chế tài vừa mang tính tự giác vừa mang tính ràng buộc;
Tiếp đó là đánh giá và cung cấp các nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt và y tế của cộng đồng bị thảm họa; Đánh giá, kiểm kê thiệt hại của cộng đồng nhằm đảm bảo tính toàn diện, sự minh bạch, tức thời của các chính sách hỗ trợ, bồi thường, bảo hiểm nếu có sau này.
Sau đó là thu thập, tìm kiếm những mẫu vật, bằng chứng của thảm họa nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra sau này và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.
Trở lại với câu chuyện cá chết ở miền Trung, trong cái tâm lý sôi sục của dư luận như thường có sau mỗi thảm họa, đã có rất ít sự quan tâm dành cho thái độ và phương pháp ứng phó cần thiết đối với một khủng hoảng, một thảm họa môi trường như những gì đang thực sự diễn ra.
Thảm họa lần này là chưa có tiền lệ, theo như lời Bộ trưởng Hà. Công viêc cấp bách phải là thu gom, tiêu hủy, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ cá chết.
Tức là những hành vi tiềm ẩn những mối nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng nhưng lại chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở cả trong cộng đồng lẫn những bên có trách nhiệm.
Bằng chứng là đến ngày 27/4 báo chí mới đưa tin về “Công điện về việc nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế” trong khi sự việc cá chết đã diễn ra khá lâu trước đó.
Đáng lưu ý là khi chưa có lệnh cấm thì khó có thể yêu cầu người dân tự giác trong việc tiêu hủy cũng như không buôn bán hải sản từ vùng thảm họa bởi vì người dân làm các việc mà họ vẫn thường làm, và họ có quyền làm việc mà pháp luật chưa cấm.
Những câu hỏi quan trọng
Không có chế tài thì chỉ còn biết trông chờ vào khía cạnh đạo đức của con người trước những bức thiết của sinh tồn và cám dỗ của lợi nhuận.
Tiêu chí số thu thập, tìm kiếm những mẫu vật, bằng chứng của thảm họa nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra sau này đã được triển khai và đang chịu sức ép của truyền thông, dư luận, vốn lên đỉnh về cảm xúc sau thảm họa.
Nhưng nguy cơ lây nhiễm từ hải sản nay đã có thể trở thành cá, tôm, mực khô, đông lạnh, nước mắm, thậm chí là muối biển đã được quản lý đầy đủ chưa?
Ai và đánh giá thiệt hại của cộng đồng như thế nào để có chính sách hỗ trợ của nhà nước hay yêu cầu bồi thường thích đáng khi tìm ra thủ phạm? Hỗ trợ về nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cũng như y tế của cộng đồng bị thảm họa sẽ được tiến hành như thế nào?
Việc nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, tác động của thảm họa sẽ tiến hành ra sao, cần bao nhiêu thời gian, dựa vào nghiên cứu của cơ quan chuyên môn hay cần sự phối hợp, kiểm chứng của các bên độc lập? Kế mưu sinh của cộng đồng sắp tới sẽ như thế nào? Khi nào thì cá lại có thể ăn được, biển lại có thể tắm được?…
Những câu hỏi này có lẽ quan trọng hơn việc chạy theo tâm lý đám đông, thỏa mãn cảm xúc bằng việc đòi hỏi ngay vào lúc này câu trả lời ai là thủ phạm.
Và cuối cùng, sau phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là liệu chúng ta đã có, hoặc sẽ phải có một quy trình quốc gia về ứng phó thảm họa môi trường để sẽ không còn “lúng túng” “xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con và công luận”?