Tổng công ty Cửu Long (CIPM) vừa báo cáo Bộ GTVT phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, đoạn đường dự kiến mở rộng dài 24 km. Điểm đầu tại cầu Bà Dạt (quận 2, TP.HCM) và điểm cuối tại thị trấn Long Thành (Đồng Nai) - vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Mặt đường sau khi mở rộng sẽ đạt quy mô 8 làn xe thay vì 4 làn như hiện tại.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo phương án mở rộng này, diện tích giải phóng mặt bằng sẽ từ nút giao vành đai 2 đến hết cầu Long Thành. Mỗi bên đường được mở rộng thêm 3,5 m. Đoạn cao tốc từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên hiện trạng.
Tổng mức đầu tư dự án theo ước tính của Tổng công ty Cửu Long là 9.976 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 301 tỷ và chi phí xây lắp hơn 7.240 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án và dự phòng.
Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT giao đơn vị này lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời giao Vụ Kế hoạch Đầu tư bố trí nguồn vốn cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Về nguồn vốn đầu tư, Cửu Long đưa ra nhiều phương án, trong đó có đầu tư PPP. Tuy nhiên, doanh nghiệp này kiến nghị Bộ GTVT xem xét phương án đầu tư công từ nguồn vốn ODA của nhà tài trợ JICA (Nhật Bản).
Theo ghi nhận của Zing, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây những năm gần đây thường xuyên ùn tắc, quá tải vì mật độ xe cộ lưu thông ngày càng tăng, vượt công suất thiết kế ban đầu.
Theo số liệu năm 2019, lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến (Long Phước - quốc lộ 51) là 52.414 xe tiêu chuẩn/ngày đêm. Ngày lễ tết, cuối tuần, lưu lượng đạt gần 57.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm. Trong khi đó, quy mô hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 44.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm.
Dự kiến, sân bay Long Thành sẽ được khởi công vào năm 2021. Theo quy hoạch, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 1 trong 2 tuyến đường chính cần được đầu tư để đảm bảo kết nối với sân bay. Với công suất dự kiến của sân bay là 100 triệu hành khách mỗi năm, tuyến cao tốc sẽ không thể đáp ứng nhu cầu nếu không được mở rộng.