Trong những thuật ngữ ưa thích của Tổng thống Joe Biden, "trật tự thế giới dựa trên luật lệ" nằm ở hàng đầu. Cụm này giống như một câu thần chú trong chính sách đối ngoại, có nghĩa là dành sự ủng hộ cho luật pháp và các thể chế quốc tế vốn giúp thế giới tương đối bình yên từ sau Thế chiến 2.
Việc Trung Quốc ngang nhiên bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện với Philippines (năm 2016) cũng như đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông là một trong những sự kiện được coi là đi ngược trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Giờ đây, vấn đề áp dụng trật tự ấy xoay quanh Mauritius, đảo quốc nằm ở Ấn Độ Dương. Mauritius từng là thuộc địa của đế chế Anh. Năm 2015, Mauritius thắng kiện trước chính phủ Anh đối với quyền kiểm soát quần đảo Chagos.
Trong khi các tòa trọng tài quốc tế nhiều lần kết luận quần đảo Chagos thuộc chủ quyền của Mauritius, người Anh tới nay vẫn kiên quyết bác bỏ. London gọi phán quyết là "sai lệch và không phù hợp", và quyết không từ bỏ quần đảo này.
Căn cứ quan trọng ở Ấn Độ Dương
Tháng trước, Mauritius kêu gọi Mỹ đứng về phe mình, trích dẫn vô số lần Tổng thống Biden nhắc tới nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Trong một công hàm gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ, Mauritius khẳng định nước này "dành sự tôn trọng lớn nhất cho những giá trị mà nước Mỹ luôn thúc đẩy".
"Vụ việc quần đảo Chagos là hiện thân cho tất cả giá trị mà đáng buồn thay lại bị nước Anh chối bỏ trong hơn 5 thập kỷ qua", công hàm của Mauritius khẳng định.
Nhưng thứ Mauritius nhận được lại không như họ mong đợi.
"Mỹ tuyệt đối ủng hộ chủ quyền của Anh đối với quần đảo. Các thỏa thuận cụ thể liên quan tới các cơ sở tại đảo Diego Garcia là nền tảng cho quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh thân thiết độc nhất giữa Mỹ và Anh. Không mối quan hệ nào khác giống như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Đối với Mỹ, trong vấn đề quần đảo Chagos, căn cứ quân sự Diego Garcia là điểm mấu chốt.
Căn cứ trên đảo Diego Garcia. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Đảo lớn nhất tại quần đảo Chagos - tên Diego Garcia - được Anh cho Mỹ thuê từ thập niên 1960. Nơi này được sử dụng làm căn cứ quân sự Mỹ, một phần trong chiến lược duy trì sức mạnh toàn cầu của Washington.
Diego Garcia là căn cứ cung cấp hậu cần cho hải quân, trung tâm thông tin liên lạc, tiếp nhiên liệu, một vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Á. Đảo này còn là đường băng phục vụ các chiến dịch oanh kích tầm xa ở Afghanistan và Iraq.
Theo thời gian, tầm quan trọng của Diego Garcia trong các ưu tiên chiến lược của Mỹ ngày càng tăng lên.
Nằm cách Ấn Độ hơn 1.600 km ngoài đại dương, Diego Garcia là một phần mạng lưới những địa điểm chiến lược, để từ đó Mỹ giám sát hoạt động hàng hải của Trung Quốc và Iran. Căn cứ này cũng rất quan trọng với khả năng duy trì các chiến dịch chống khủng bố từ xa ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
Di sản lịch sử
Quần đảo Chagos thực tế nằm cách Mauritius khoảng 2.000 km, tức xa hơn khoảng cách từ đây đến Ấn Độ. Dù vậy, Chagos được thừa nhận là một phần của Mauritius dưới thời cai trị của Anh.
Nhưng từ lâu trước khi Anh chính thức trao trả độc lập cho Mauritius vào năm 1968, London đã quyết định sẽ giữ lại quần đảo Chagos. Điều này vi phạm các điều ước quốc tế về phi thực dân hóa, vốn cấm chia cắt các quốc gia thuộc địa trước khi trao trả độc lập.
Khi đó, Anh gọi quần đảo Chagos là một thuộc địa mới với cái tên Lãnh thổ Ấn độ Dương thuộc Anh (BIOT). Công hàm chấp thuận cho Mỹ xây dựng căn cứ trên đảo Diego Garcia được ký năm 1966.
Trong các tài liệu chính phủ thời kỳ đó, mà sau này được đưa ra trước toà, Anh và Mỹ cho rằng quốc gia mới độc lập Mauritius không nên tham gia quản trị BIOT.
Bởi yêu cầu an ninh, Anh và Mỹ đã di dời 1.500 cư dân sống ở quần đảo Chagos. Nhiều người là con cháu của các nô lệ bị đưa tới quần đảo để trồng dừa. Đa phần họ sống tại Diego Garcia.
Anh và Mỹ khi đó nhất trí việc cưỡng bức di dời sẽ có hậu quả tồi tệ nếu bị phơi bày trước công luận. Nhưng rồi tới năm 1973, người dân quần đảo cuối cùng cũng được đưa lên tàu và tái định cư ở Mauritius hoặc các thuộc địa còn lại.
Chính phủ Anh sau đó nhiều lần trả tiền cho Mauritius để bù đắp cho những người dân quần đảo bị di dời. London sau này thừa nhận việc di dời không phải là điều tốt nhất cho người dân quần đảo, nhưng cũng chưa từng có biện pháp nào để đảo ngược quyết định di dời này.
London nhiều lần khẳng định BIOT "thuộc chủ quyền liên tục của Anh từ năm 1814" và "Anh không thừa nhận tuyên bố chủ quyền" của Mauritius.
Ở Diego Garcia, Mỹ gạt đi những tranh chấp pháp lý, triển khai hoạt động quân sự và ít khi lên tiếng về vấn đề chủ quyền. Trên hòn đảo này, các quân nhân không được mang theo vợ con. Người ngoài hiếm khi được phép thăm viếng.
Lựa chọn của chính quyền Biden
Năm 2019, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn pháp lý rằng việc Anh chia tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius là bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu Anh chấm dứt kiểm soát quần đảo sớm nhất có thể. Cùng năm đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Anh rời khỏi Chagos trong 6 tháng.
Tháng 1 vừa qua, Tòa Trọng tài Luật biển (ITLOS) một lần nữa ra phán quyết tuyên bố Anh không có quyền quản lý quần đảo Chagos.
Nhưng đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phán quyết của ICJ và ITLOS là "không phù hợp" và "không ràng buộc" với Washington.
Điều này thực tế không sai, bởi ý kiến tư vấn pháp lý của ICJ không có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành. Đồng thời, Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển - văn kiện nền tảng thành lập ITLOS, vì vậy Washington không có nghĩa vụ trước mọi phán quyết của ITLOS.
Máy bay Mỹ triển khai tại căn cứ Diego Garcia. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Công hàm Mauritius gửi tới Tổng thống Biden có nội dung tương tự công hàm từng gửi tới người tiền nhiệm Donald Trump. Khi đó, chính quyền Tổng thống Trump không có phản hồi.
Nhưng dĩ nhiên, trong khi cựu Tổng thống Trump đề cao "nước Mỹ trên hết" và chủ nghĩa đơn phương biệt lập, Tổng thống Biden đề cao giá trị của luật pháp quốc tế và các thiết chế đa phương.
Bài toán với ông Biden bây giờ là hoặc có nguy cơ hủy hoại danh tiếng người đi đầu bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ của nước Mỹ, hoặc từ bỏ căn cứ quân sự Diego Garcia cùng tất cả lợi ích về an ninh quốc phòng và địa chính trị nó mang lại, đi kèm với tổn hại không thể lường trước trong quan hệ với đồng minh số 1 - nước Anh.
Công hàm được gửi tới Washington sau khi quan chức ngoại giao Mỹ ở Mauritius cho biết Washington "quan ngại" việc chính phủ nước này có kế hoạch tổ chức một đoàn tới thăm quần đảo Chagos, trong số này có du khách và cả người từng sống tại quần đảo.
"Không phải tới Diego Garcia mà là các đảo khác. Dĩ nhiên, chính phủ có kế hoạch tái định cư ở Chagos. Không phải ngay ngày mai hay thời điểm nào đó trước mắt, nhưng chắc chắn là chúng tôi có kế hoạch tái định cư cho những người muốn quay trở lại đó", Đại sứ Mauritius tại Liên Hợp Quốc Jadish Koonjul cho biết.