Hòn đảo cực Tây của Nhật Bản chỉ nằm cách Đài Loan (Trung Quốc) hơn 110 km. Một số quả tên lửa được bắn đi từ đại lục trong cuộc tập trận hồi đầu tháng 8 rơi không quá xa bờ biển của hòn đảo này.
Khi Trung Quốc tập trận, ông Shigenori Takenishi, người đứng đầu hội nghề cá của đảo, đề nghị các tàu cá trên đảo tạm thời hoãn ra khơi.
“Mọi người đều lo ngại”, ông Takenishi nói với AFP. “Kể cả khi không nói ra, chúng tôi vẫn còn nguyên những ký ức về cảm giác sợ hãi và choáng váng”.
Vụ việc lần này là lời nhắc nhở đối với người dân Yonaguni về nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực, cũng như phần nào khiến họ đánh giá lại tầm quan trọng của căn cứ quân sự trên đảo.
Thay đổi quan điểm
Người dân địa phương trước đây thường nói đùa rằng đảo Yonaguni chỉ được bảo vệ bằng hai khẩu súng - mỗi khẩu thuộc về một viên cảnh sát đồn trú. Dù vậy, kể từ năm 2016, Nhật Bản đã xây dựng một căn cứ quân sự với khoảng 170 binh sĩ trên đảo - bất chấp sự phản đối ban đầu của cư dân địa phương.
Các binh sĩ và gia đình chiếm 15% dân số của đảo, AFP cho biết. Giới chức Nhật Bản cũng dự định triển khai thêm một đơn vị tác chiến điện tử tại đây trước tháng 3/2024.
Căn cứ trên đảo Yonaguni nhìn từ trên cao. Ảnh: Okinawa Times. |
“Khi chúng tôi nhận thấy các hoạt động quân sự của Trung Quốc, chúng tôi tự bảo nhau rằng căn cứ quân sự hình thành đúng lúc”, thị trưởng Yonaguni Kenichi Itokazu nói. “Chúng tôi đã gửi thành công thông điệp tới Trung Quốc”.
Dù vậy, đây vốn không phải cảm nhận của người dân trên đảo.
Đảo Yonaguni là một phần của tỉnh Okinawa, nơi vốn có “truyền thống” không quá thích thú với các căn cứ quân sự. Dù vậy, đây vẫn là nơi đóng quân của đa số căn cứ Mỹ tại Nhật Bản.
Đảo Yonaguni gần Đài Loan, Seoul và thậm chí là gần Bắc Kinh hơn thủ đô Tokyo. Căn cứ tại đảo là một phần của chiến lược tăng cường hiện diện quân sự của Nhật Bản trên chuỗi đảo Nansei phía nam đất nước. Bên cạnh lợi ích về an ninh, Tokyo cũng cho rằng căn cứ có thể giúp ích cho nền kinh tế địa phương.
Giới chức địa phương từng đề xuất gắn nền kinh tế của Yonaguni với Đài Loan và các trung tâm kinh tế gần đó. Họ thậm chí từng vận động xây dựng một “đặc khu trao đổi liên vùng” trên đảo. Dù vậy, ý tưởng này đã bị giới chức Nhật Bản bác bỏ năm 2007.
Khi quan hệ Trung - Nhật chuyển biến xấu năm 2010, người dân trên đảo bắt đầu có thiện cảm hơn với căn cứ quân sự. Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2015, 60% cư dân Yonaguni ủng hộ kế hoạch xây dựng căn cứ.
Với việc các sự cố tiếp tục xảy ra trên biển Hoa Đông, con số này thậm chí còn tăng lên.
“Giờ đây, gần như không còn ai phản đối căn cứ”, ông Shigeru Yonahara, 60 tuổi, nói.
Dù vậy, vẫn có ý kiến lo ngại căn cứ có thể biến Yonaguni trở thành mục tiêu công kích, đặc biệt trong trường hợp nổ ra chiến sự tại Đài Loan.
“Nếu khủng hoảng nổ ra, họ có bảo vệ người dân tại đây không? Họ có thực sự có thể giúp đỡ chúng tôi nếu Đài Loan bị tấn công không”, ông Masakatsu Uehara, một ngư dân 62 tuổi, chia sẻ.
Lợi ích “không thể tranh cãi”
Phe ủng hộ và những người chỉ trích căn cứ đồng thuận với nhau ở một điểm: Căn cứ quân sự đã thay đổi hòn đảo. Ví dụ, đèn từ hệ thống radar đã chiếu sáng bầu trời vốn chỉ có những vì sao.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chi tiền xây dựng một lò đốt rác trên đảo. Cơ sở này đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Trong khi đó, số tiền cho thuê đất để xây căn cứ giúp chính quyền đảo có thể cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh.
Một tàu cảnh sát biển Nhật Bản tuần tra vùng biển quanh đảo Yonaguni hôm 18/8. Ảnh: AFP. |
Đảo Yonaguni không có trường cấp ba. Cơ hội việc làm cũng khá hạn chế. Sau khi những mối liên hệ giữa đảo và Đài Loan bị cắt đứt sau Thế chiến II, vị thế của đảo trong nền kinh tế cũng đi xuống.
Giờ đây, tiền thuế từ cư dân trong căn cứ chiếm tới một phần năm nguồn thu của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không phải ai cũng coi đây là điều tích cực.
Ông Chiyoki Tasato, một thành viên hội đồng địa phương, vẫn có quan điểm phản đối căn cứ. Ông phản đối việc các gia đình quân nhân có quyền bỏ phiếu trong bầu cử địa phương, cũng như cho rằng ảnh hưởng kinh tế của căn cứ khiến người dân khó lên tiếng phản đối hơn.
“Họ không thể công khai phản đối căn cứ, vì tình hình kinh tế đang không tốt”, ông nói với AFP. “Chúng tôi nghĩ nhiều hơn đến việc ngày mai ăn gì”.
Trong khi đó, Thị trưởng Itokazu cho rằng lợi ích kinh tế mà căn cứ mang lại là điều “không thể tranh cãi”, trong khi lợi ích về an ninh cũng khá rõ ràng.
“Nếu bạn muốn hòa bình, bạn phải chuẩn bị cho chiến tranh”, ông nói. “Ý nghĩa nằm ở khả năng răn đe”.