“Không thể một bộ muốn giảm thuế để phát triển công nghiệp ôtô, mà một bộ khác lại lo hụt mất nguồn thu. Như vậy thì rất khó để có một chính sách nhất quán phát triển một ngành”, một chuyên gia có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ôtô ở Việt Nam chia sẻ.
Thực tế hiện tại, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang phát triển khá chậm so với các quốc gia trong khu vực. Muốn đi nhanh và bắt kịp, các chuyên gia cho rằng rất cần “bàn tay bà đỡ” của Nhà nước bằng các chính sách nhất quán, lâu dài, thực sự hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Hoàn thiện các chính sách thuế nội địa
Cuối năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ này ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô.
Đây là một bước ngoặt quan trọng khi các văn bản quy định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô gây khó cho doanh nghiệp trong rất nhiều năm trong việc tính giá trị tỷ lệ nội địa hóa, dẫn tới nhiều doanh nghiệp không mặn mà sản xuất trong nước.
Việc bãi bỏ các quy định tỷ lệ nội địa hóa không chỉ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ôtô, bởi Việt Nam hiện vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nước ASEAN lại tính theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Việc bãi bỏ các quy định trên không chỉ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà còn đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.
Đây là một trong những dẫn chứng cho thấy việc phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam không chỉ liên quan đến một mà cần chung tay phối hợp của rất nhiều bộ, ngành. Nếu Bộ Khoa học và Công nghệ không bãi bỏ các văn bản về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô, thì Bộ Tài chính vẫn căn cứ theo quy định cũ để tính thuế. Ngược lại khi văn bản được bãi bỏ, việc thu thuế sẽ chấm dứt.
Để công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển, cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện các chính sách thuế nội địa, giúp doanh nghiệp trong nước tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu. |
Theo các chuyên gia kinh tế, để công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển, cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện các chính sách thuế nội địa, giúp doanh nghiệp trong nước tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu. Ngoài ra, cần cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô... Đây được coi là một trong những chìa khóa quan trọng bậc nhất để phát triển ngành.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết một chiếc ôtô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, đơn giản... Điều này khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn 10-20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Toyota Việt Nam từng chia sẻ chiếc nắp bình xăng bán ở Thái Lan chỉ 1,5 USD, còn tại Việt Nam là 3,8 USD. Sau nhiều lần thương thảo, sản phẩm này vẫn có giá 2,5 USD. Với giá này, chắc chắn các doanh nghiệp lắp ráp ôtô sẽ phải nhập khẩu.
Chính sách phải ổn định, thống nhất
Theo Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này khá yếu… Số lượng này chỉ bằng khoảng 1/6 so với Thái Lan. Khi công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan phát triển, giá linh kiện sản xuất ở nước này thấp hơn rất nhiều, giúp các doanh nghiệp cạnh tranh hơn.
Doanh nghiệp đề nghị cần có các cách chính sách đồng bộ về mặt tài chính, thuế, chính sách ưu đãi, vay vốn ngân hàng… để hỗ trợ phát triển nhành công nghiệp ôtô. |
"Đã đầu tư rất lớn vào sản xuất ôtô, chúng tôi rất mong chờ chính sách đột phá từ cơ quan chức năng cùng những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Nhưng đến nay những chính sách triển khai rất chậm, đôi khi lại chưa thống nhất giữa các bộ ngành với nhau", đại diện một công ty sản xuất, lắp ráp ôtô bày tỏ quan điểm.
Do đó, doanh nghiệp đề nghị cần có các cách chính sách đồng bộ về mặt tài chính, thuế, chính sách ưu đãi, vay vốn ngân hàng… để hỗ trợ phát triển nhành công nghiệp ôtô. Điều này không riêng một ngành có thể làm được mà cần sự chung tay của nhiều ngành khác nhau.
Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035 đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đặt ra là đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 mà Chiến lược có thể sẽ không đạt được nếu các chính sách chưa đến được với doanh nghiệp.
Trong vòng 3-5 năm tới, với trình độ kỹ thuật hiện tại cũng như dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, sẽ rất khó có doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ và hộp số để phục vụ lắp ráp ở Việt Nam.
Ông Trương Thanh Hoài
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, khẳng định trong vòng 3-5 năm tới, với trình độ kỹ thuật hiện tại cũng như dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, sẽ rất khó có doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ và hộp số để phục vụ lắp ráp ở Việt Nam.
"Để mỗi ngành công nghiệp phát triển, vấn đề sống còn là phải có thị trường, cả trong và ngoài nước. Nhưng điều quan trọng nhất là các chính sách phải ổn định, thống nhất trên quan điểm ủng hộ phát triển ngành. Cần tránh việc chính sách thường xuyên biến động khiến các doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư dài hạn. Do đó, nếu nhà nước có các chính sách hợp lý, ngành công nghiệp ôtô có thể tận dụng lợi thế", ông Trương Thanh Hoài kỳ vọng.