Những năm gần đây, bối cảnh thế giới ngày càng biến động khó lường. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới trải qua nhiều biến cố khiến trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, bất kỳ biến động nào về kinh tế, địa chính trị đều tác động đến Việt Nam. Trong khi đó, năng lực tự chủ của các ngành sản xuất trong nền kinh tế còn ở mức thấp với việc phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu cho sản xuất.
Đảng và Nhà nước đã xác định việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng là rất cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Và để xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ thì việc đầu tư vào ngành sản xuất là rất quan trọng, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các ngành mang tính chất xương sống như công nghiệp cơ khí.
Ngành công nghiệp còn nhiều việc phải làm
Theo Bộ Công Thương, công nghiệp Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Đến năm 2022, tỷ trọng chế biến, chế tạo đã đạt khoảng 25% cơ cấu GDP. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam vẫn có rất ít những sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh. Ngành công nghiệp đang phát triển phần nào bị mất cân đối, phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI.
“Vẫn còn thiếu các sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm Tuấn Anh đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có một nền sản xuất phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu nên kém cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao. Thời gian qua, chuyển dịch trong tái cơ cấu sản xuất công nghiệp ở nước ta chủ yếu nhờ khu vực FDI chứ không phải do các doanh nghiệp nội địa.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp dẫn dắt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp còn chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu cơ cấu lại ngành công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25% GDP, nâng cao tính tự chủ… mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, thì ngành công nghiệp còn nhiều việc phải làm.
Những “viên gạch” quan trọng
Để đẩy mạnh nền công nghiệp mang tính tự chủ, vững mạnh, trọng tâm thời gian tới ngành cần tiếp cận những công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ mạnh để dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
“Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, chúng ta cần phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu…”, ông Phạm Tuấn Anh nói.
Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng những chuỗi sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vươn lên, trở thành “sếu đầu đàn” trong sản xuất. Các sản phẩm đã vươn tầm quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp đó còn tạo ra hàng nghìn việc làm, đóng góp ngân sách, giúp phát triển những vùng đất mới.
Một trong những “sếu đầu đàn” đó là Thaco - doanh nghiệp đã có những bước đi vững chắc trong việc dần làm chủ công nghệ sản xuất ôtô. Để làm được điều đó, doanh nghiệp này đã phải nỗ lực rất nhiều. Từ những nhà máy sản xuất rắp ráp xe tải, xe bus nhỏ ở Chu Lai, sau đó, Thaco dần mở rộng ra các xưởng cơ khí để sản xuất các linh kiện phụ tùng thân vỏ xe bus và thùng xe tải. Năm 2007, Thaco đã đưa vào hoạt động nhà máy xe du lịch và mở rộng thêm các dây chuyền sản xuất linh kiện phụ tùng (khung xương ghế xe tải, vật liệu composite cho xe bus, keo thân xe ôtô).
Thaco cũng đã có các nhà máy gia công thép; cơ khí chế tạo và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô, bao gồm: ghế ôtô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; vật liệu composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ôtô với mục đích đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, giảm giá thành.
Đến nay, Thaco là đối tác quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn như Kia, Mazda, Peugeot, Mercedes-Benz, BMW… Doanh nghiệp còn phát triển các dòng sản phẩm khác như: thiết bị công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện phụ tùng ngoài ngành ôtô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.
Đến năm 2025, mục tiêu của doanh nghiệp nâng lên thành 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ và 1 tổ hợp cơ khí chế tạo với mục tiêu trở thành Trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ và là hạt nhân liên kết vùng tại miền Trung.
Với những bước tiến như vậy, Thaco đang ngày càng chứng minh rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ sản xuất ôtô, công nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nỗ lực này đang đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của đất nước, dần làm chủ ngành quan trọng mà nhiều năm qua đất nước "khao khát". Đây cũng là những “viên gạch” nền móng quan trọng giúp xây dựng một nền kinh tế độc lập và tự chủ.
Việt Nam đã phát triển ngành cơ khí thế nào?
Trải qua gần 80 năm, ngành cơ khí đã vươn mình mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia, giữ vai trò then chốt để đưa đất nước trở thành nước phát triển.
Xuất khẩu sản phẩm cơ khí - cơ hội tỷ USD của Việt Nam
Với dân số 100 triệu dân, đa phần là dân số trẻ, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á. Điều này sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Bài toán phát triển công nghiệp vật liệu để ngành cơ khí bứt tốc
Vật liệu đầu vào là một trong những điểm yếu của ngành cơ khí Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp nội địa chưa thể sản xuất được những vật liệu chất lượng cao.