Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Việt Nam đã phát triển ngành cơ khí thế nào?

Trải qua gần 80 năm, ngành cơ khí đã vươn mình mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia, giữ vai trò then chốt để đưa đất nước trở thành nước phát triển.

Lich su cua Co khi anh 1


Trải qua gần 80 năm, ngành cơ khí đã vươn mình mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia, giữ vai trò then chốt để đưa đất nước trở thành nước phát triển.

Khi người Pháp xâm lược Việt Nam, cơ khí ở dạng công nghiệp bắt đầu xuất hiện trong việc xây dựng các công trình giao thông, truyền tải điện. Tuy vậy, ngành công nghiệp cơ khí chỉ thực sự bắt đầu khi Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo được thành lập năm 1947 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Nền móng của công nghiệp cơ khí Việt Nam bắt đầu từ việc sản xuất vũ khí đúc vỏ mìn, vỏ lựu đạn; làm dụng cụ công binh, sản xuất máy khoan, máy tiện cho quân giới; sản xuất máy xay xát gạo, máy in phục vụ in giấy bạc, in ấn tài liệu tuyên truyền, sản xuất cân treo, dao phát rừng phục vụ dân sinh...

Trải qua gần 80 năm, công nghiệp cơ khí đã vươn lên trở thành một trong những ngành then chốt của nền kinh tế, đóng góp hàng tỷ USD, tạo ra hàng triệu việc làm. Trong tiến trình vươn lên trở thành một nước phát triển, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam lại càng đóng vai trò quan trọng với thị trường hơn 100 triệu dân, vươn tầm trở thành mũi nhọn của nền kinh tế.

Cách đây 20 năm, vào ngày 17/10/2003, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 25 về chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với những quan điểm cụ thể, “xác định cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội”. Bộ Chính trị cũng yêu cầu “phải xây dựng ngành cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Lich su cua Co khi anh 2

Sau đó, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 với các chính sách ưu tiên phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Chính phủ xác định ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Việt Nam.

Công nghiệp cơ khí chế tạo là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo.

Lich su cua Co khi anh 3

Quy mô, năng lực các doanh nghiệp cơ khí được nâng cao ở hầu hết ngành cơ khí, từ chế tạo thiết bị toàn bộ, sản xuất, lắp ráp ôtô, sản xuất xe máy, chế tạo thiết bị thủy công, cho đến chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, thiết bị điện, cơ khí nông nghiệp.

Hiện nay, trong nước có khoảng gần 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 680.000 xe/năm. Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đạt khoảng 85-95%.

Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo. Điển hình Khu phức hợp cơ khí Thaco - Chu Lai tại Quảng Nam đã hình thành một trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu, mang tầm cỡ Đông Nam Á. Mỗi năm, tại đây xuất xưởng hàng trăm nghìn xe các loại, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 20-40%. Nơi đây cũng hình thành những chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất ôtô, cơ khí công nghiệp, dân dụng...

Lich su cua Co khi anh 4

Sau nhiều năm phát triển, ngành công nghiệp cơ khí đã hình thành những doanh nghiệp lớn như Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Thaco Industries, Tập đoàn Thành Công...

Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Ngoài ra, cần xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Lich su cua Co khi anh 5

Khi đó, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao.

Theo các chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra thì việc nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp mang tính then chốt, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là bước đi mang tính quyết định.

Bài toán hiện tại là phải tập trung đầu tư và đẩy mạnh một số ngành công nghiệp quan trọng mang tính nền tảng, trong đó có công nghiệp cơ khí. Để làm được điều đó, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành như: quy mô nhỏ phổ biến, có năng lực cạnh tranh thấp. Hiện tại, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Ngoài ra, theo đánh giá, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội địa nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo, là trụ cột của sản xuất công nghiệp, đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước…

Tuy vậy, nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho rằng để phát triển ngành cơ khí Việt Nam vươn lên thì trước hết phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, với ngành cơ khí Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam cần "biết mình, biết người" để xác định phân khúc nào có thế mạnh, ưu tiên thị trường trong nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn. Với việc áp dụng công nghệ mới, cần có chính sách “đi tắt đón đầu”.

Để tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp, thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp cơ khí. Một số chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh việc đặt hàng doanh nghiệp nội địa, ưu tiên tham gia vào các công trình, dự án trong nước. Cần có quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Một trong những bài học mà các nước đi trước đã áp dụng là xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; cổ vũ và kiến tạo để phát triển các doanh nghiệp cơ khí mạnh, thúc đẩy thế hệ doanh nhân có bản lĩnh, mang khát vọng phát triển ngành cơ khí Việt Nam và phát triển kinh tế đất nước.

Trần Nguyễn

Ảnh: Việt Linh - Đồ họa: Ngân Bình

Bạn có thể quan tâm