Trình bày tại phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội thứ 10, khóa XIV, về tình hình kinh tế - xã hội chiều 5/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận định trong giai đoạn 2020-2022, Việt Nam cần chắt lọc, chủ động chớp thời cơ để tiếp tục phát triển kinh tế trước, trong và sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, việc thành lập TP Thủ Đức ở phía nam và một trung tâm kinh tế công nghệ cao ở phía bắc sẽ hình thành hai cực tăng trưởng lớn. Những nơi này sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, giúp thu hút các nhà đầu tư, du khách quốc tế.
Hai cực tăng trưởng mới từ TP.HCM và Hà Nội
"TP Thủ Đức sẽ là đầu mối hiệu quả để kết nối, tích hợp, hỗ trợ sản xuất, dịch vụ công nghệ cao. Đơn vị hành chính mới sẽ giúp TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tạo nên cực tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0, hướng tới đóng góp hơn 40% kinh tế Việt Nam", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Phân tích thế mạnh của TP Thủ Đức trong tương lai, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cho biết đơn vị hành chính mới sẽ hội tụ và phát huy thế mạnh của cả 3 quận thành phần (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức).
Cụ thể, khu công nghệ cao (quận 9) đang có 36.000 lao động làm việc, giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD mỗi năm. Nơi này hiện có mật độ sản xuất công nghệ cao lớn nhất Việt Nam.
Trung tâm giáo dục, một cấu phần của TP Thủ Đức, được phát triển dựa trên nền tảng khu Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức). Đại học Quốc gia TP.HCM và 5 trường đại học khác hiện có hơn 100.000 sinh viên, hơn 2.000 giảng viên là tiến sĩ. Trung tâm giáo dục của TP Thủ Đức đang và sẽ là nơi có mật độ đào tạo, nghiên cứu khoa học thuộc hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng 50% sản lượng container cả nước tập trung tại cảng Cát Lái (quận 2). Khu vực có vị trí thuận lợi, dễ dàng kết nối với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành trong tương lai.
Khu đô thị mới tại quận 2, quận 9 sẽ trở thành trung tâm tài chính cả nước và vươn tầm quốc tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về lĩnh vực tài chính, hai khu đô thị mới, hiện đại tại quận 2 và quận 9 được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính của cả nước trong tương lai gần và vươn tầm quốc tế về dài hạn.
"Xuất phát từ nguồn lực sẵn có, cần xây dựng, định hướng khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên thành hai trung tâm lớn nhất về đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao", ông Nhân bày tỏ.
Song song với việc hình thành hai cực tăng trưởng, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị trong giai đoạn 2021-2022, toàn bộ tài nguyên dữ liệu của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước cần được quyết liệt số hóa, đặc biệt tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
"Việc số hóa dữ liệu quốc gia, doanh nghiệp trong khoảng thời gian 2021-2022, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của kinh tế số thế giới giai đoạn 2023-2025", ông Nguyễn Thiện Nhân nêu dự báo.
Chắt lọc thời cơ để phát triển trong đại dịch
"Việt Nam có nền kinh tế với độ mở rất lớn, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và du lịch quốc tế đóng vai trò quan trọng. Trong gần 100 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta, chỉ có 17 thị trường mang tính quyết định", ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Trong năm 2019, 17 quốc gia, vùng lãnh thổ này chiếm 93,6% tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, 80% tổng giá trị xuất nhập khẩu và gần 88% khách du lịch quốc tế. Ông Nhân chia sẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những thị trường này vẫn đóng vai trò quan trọng.
Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp Quốc hội thứ 10, khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đáng chú ý, khi tổng thể đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và số khách du lịch trong năm 2020 suy giảm do dịch Covid-19, một số nước lại tăng giá trị đầu tư vào Việt Nam như Singapore, Thái Lan...
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị để tiếp tục phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2022, Việt Nam cần quan tâm và phối hợp với 17 nước, vùng lãnh thổ trên để thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ lực của mỗi nước để xây dựng các thỏa thuận hợp tác theo diễn biến dịch từng nơi.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng kiến nghị trong năm 2021-2022, cả nước cần hoàn thiện các chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước để gia tăng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Thời điểm này cũng là thời cơ khi các nước chưa phục hồi sản xuất và xuất khẩu vào Việt Nam.
Theo phân tích của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, 17 quốc gia và vùng lãnh thổ mang tính chất quyết định với thị trường Việt Nam gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Ấn Độ, Samuha, Đức, Hà Lan, Nga, quần đảo Virgin thuộc Anh, Mỹ và Australia.
Theo thống kê 10 tháng đầu năm 2020, các nước này đóng góp 92,8% tổng đầu tư nước ngoài, 80,6% tổng xuất nhập khẩu và 81,2% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.