Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cần chấm dứt quân sự hóa Biển Đông'

Tại cuộc họp báo sau Hội nghị Mỹ - ASEAN, Tổng thống Obama cho biết các lãnh đạo nhất trí cần chấm dứt hành động quân sự hóa trên Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng pháp lý.

Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị Mỹ - ASEAN. Ảnh: Reuters

“Mỹ và ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với một trật tự khu vực, nơi mà những luật lệ, tiêu chuẩn và quyền của tất cả các quốc gia, dù là nước lớn hay nước nhỏ, đều được tuân thủ”, ông Obama nói tại buổi họp báo ngày 16/2 (giờ địa phương).

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, “mọi tranh chấp giữa các bên liên quan trong khu vực cần phải được giải quyết một cách hoà bình”.

“Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết đối với các biện pháp cụ thể trên Biển Đông để xoa dịu căng thẳng, bao gồm chấm dứt việc cải tạo đảo hoặc xây các công trình mới và quân sự hoá ở những khu vực tranh chấp”, Tổng thống Obama nói.

Người đứng đầu nước Mỹ cũng khẳng định, “Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”. “Chúng tôi ủng hộ những đồng minh trong khu vực sử dụng quyền này”, ông nói.

Theo AP, tổng thống Mỹ cho biết các tranh chấp cần được giải quyết bằng những biện pháp lý, điển hình như vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc mà Toà án Trọng tài đang xử lý.

Dù Trung Quốc khẳng định không tham gia vào vụ kiện, ông Obama khẳng định các nước đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cần tôn trọng phán quyết, dự kiến sẽ được đưa ra vào giữa năm nay.

Cũng trong buổi họp báo, ông Obama cam kết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh và đối tác tăng cường năng lực hàng hải.

Về hợp tác kinh tế, tổng thống Mỹ nói các nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập một cơ chế mới để giúp tất cả các nước ASEAN đáp ứng tiêu chuẩn của hiệp định TPP. Ông Obama cũng công bố một sáng kiến, gọi là "Mỹ - ASEAN Kết nối", bao gồm một mạng lưới các trung tâm trong khu vực để việc điều phối hợp tác kinh tế diễn ra tốt hơn.

Trước đó, tại buổi họp đầu tiên hôm 15/2 (giờ địa phương), Tổng thống Obama cũng đề cập đến tình hình Biển Đông. Ông cho rằng Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á có thể thúc đẩy "tầm nhìn chung" về các luật lệ và nguyên tắc để giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hoà bình. 

Tuyên bố chung Sunnylands

Sau hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh các nguyên tắc để mối quan hệ hợp tác phát triển. Nội dung tuyên bố cũng đề cập nhiều đến tình hình Biển Đông.

Theo tuyên bố chung gồm 17 điều, các nhà lãnh đạo tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn đầu trong kiến trúc khu vực phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.

Các bên đã đưa ra “cam kết chung đối với giải pháp hoà bình cho tranh chấp khu vực, bao gồm tôn trọng đầy đủ những quá trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ, phù hợp với những nguyên tắc được công nhận phổ quát của luật quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ trong cuộc họp tại Sunnylands, bang Californina, Mỹ. Ảnh: Reuters

Mỹ và ASEAN cam kết duy trì hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, và những hoạt động hợp pháp khác trên biển, các hoạt động thương mại hợp pháp không thể bị cản trở, được nêu rõ trong UNCLOS; cũng như các biện pháp phi quân sự và hành vi tự kiềm chế. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết “thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức chung về chủ quyền biển”.

ASEAN coi trọng quan hệ với Mỹ

Theo AP, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN, đã gọi Mỹ là “một trong những đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN”. Ông Minh đánh giá hội nghị lần này “là cơ hội hoàn hảo để các bên trao đổi ý kiến về những vấn đề quan trọng”.

Tại ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thượng tại Sunnylands, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của quan hệ ASEAN – Mỹ, hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Mỹ và các đối tác nói chung đối với lập trường của ASEAN trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.

Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi ủng hộ những đồng minh trong khu vực sử dụng quyền này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Thủ tướng đánh giá tích cực những tiến triển và kết quả quan trọng đạt được trong quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ thời gian qua, mong muốn hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN -Mỹ giai đoạn 2016-2020, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN - Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói các nước ASEAN hy vọng sự chú ý và ưu tiên của Tổng thống Obama với khu vực Đông Nam Á sẽ được những tổng thống Mỹ tương lai tiếp nối. Ông Najib khẳng định, các nước ASEAN công nhận rằng mối quan hệ của khối này với Mỹ quan trọng ngang bằng với quan hệ với Trung Quốc.

Đề cập đến tình hình Biển Đông, Thủ tướng Malaysia kêu gọi “các bên liên quan cần tự kiềm chế, tránh đẩy căng thẳng gia tăng trong khu vực tranh chấp”, theo hãng tin Bernama.

Trong buổi làm việc với Tổng thống Obama hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không. Những lo ngại xuất phát từ các hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm. Điều này làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.

Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử (COC).

Tại buổi họp báo sau hội nghị với các lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Obama cũng trả lời nhiều vấn đề khác. Ông cho biết sẽ đề cử một ứng viên “không gây tranh cãi” vào Toà án Tối cao để thay thế một vị thẩm phán vừa qua đời; khẳng định tiếp tục truy đuổi phiến quân IS nếu chúng mở rộng lực lượng đến Libya; lặp lại quan điểm của Mỹ về vấn đề Syria và cuộc không kích của Nga đang tiến hành tại đây.

Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra tại Sunnylands, bang California, Mỹ. Đây là sự kiện được tổ chức riêng rẽ đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ, thể hiện sự coi trọng của cả hai bên đối với quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ.

Theo Reuters, phía Mỹ muốn hội nghị đưa ra một tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác ASEAN về một tuyên bố mà chúng ta có thể đi đến thống nhất", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói với các phóng viên ngày 16/2.

"Trước đây, chúng tôi từng đưa ra nhiều tuyên bố như vậy với ASEAN. Trong đó, chúng tôi luôn nhấn mạnh cam kết chung cho một giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp, tự do thương mại và hàng hải, sự cần thiết của việc giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp pháp lý và hoà bình", bà Rice nhấn mạnh.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm