Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ tại Nam Định có giá trị 2.300 tỷ đồng đáp ứng tàu trọng tải 2.000-3.000 tấn, sắp hoàn thành sau hơn hai năm thi công.
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) thuộc dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Công trình được động thổ ngày 19/11/2020, đào một tuyến kênh dài khoảng 1 km, rộng 90-100m nối thông giữa sông Đáy và Ninh Cơ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước.
Tuyến kênh đào này được thiết kế để tàu chở hàng trọng tải 2.000 tấn và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, giúp phát triển vận tải thủy từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại.
Trên lưu vực của sông Đáy và sông Ninh Cơ, đơn vị thi công chọn ra điểm hẹp nhất với khoảng cách chỉ 1 km để đào kênh nối với chiều rộng khoảng 100 m. Ở giữa có một âu tàu bằng bê tông cốt thép rộng 17 m, dài 179 m. Âu tàu này được thiết kế như một van đóng mở để ngăn cách 2 con sông vốn có mực nước và độ mặn chênh lệch nhau.
Dự án nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại.
Âu tàu nằm giữa hai sông, vận hành tương tự như kênh đào nổi tiếng Panama. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.
Khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho nhiều tàu chở container đi qua, thay vì phải tới cảng Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ như hiện nay.
Cửa đóng xả phía sông Đáy nặng gần 80 tấn, được làm bằng thép theo tiêu chuẩn Nhật. Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới. Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.
Chia sẻ với Zing, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam, cho biết ông chưa chứng kiến dự án đường thủy nào tại Việt Nam có mức đầu tư lên tới 100 triệu USD. Ông Liêm chia sẻ kênh Đáy - Ninh Cơ là hạng mục đường thủy lớn thứ 2 được Chính phủ Việt Nam đầu tư. Hạng mục lớn nhất là công trình kênh thủy lợi Bắc - Hưng - Hải.
Do kênh đào chia cắt huyện Nghĩa Hưng thành 2 bờ nên chủ đầu tư phải thi công thêm một cây cầu vượt qua kênh. Cầu có chiều dài 777 m, tĩnh không thông thuyền 15 m, giúp kết nối dân cư đôi bờ kênh và hoàn trả tuyến đường tỉnh 490C.
Ban Quản lý dự án đường thủy cho biết toàn bộ công trình được xây dựng bởi các kỹ sư trong nước, 90% thiết bị cũng tự sản xuất. Hiện, công trường có 3 ca làm việc để kịp tiến độ. Phần việc chủ yếu là cắt đê, đắp kè. Công trình đạt tiến độ hoàn thành hơn 80%, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6/2023.
Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam kỳ vọng công trình sẽ làm giảm chi phí vận tải và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa trên mạng lưới đường thủy của miền Bắc. Trong đó, hàng hóa đường thủy chủ yếu là nguyên liệu than, xi măng, gỗ, cát, đá… những mặt hàng rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp và xây dựng hạ tầng.
Vị trí kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ nằm tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Ảnh: Google Maps.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất- nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.
Kênh Chợ Gạo dài 28,5 km được đào thủ công từ năm 1876 nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ, đi qua hai tỉnh Tiền Giang, Long An. Kênh đang được cải tạo với kinh phí 1.335 tỷ đồng.