Công ty Cổ phần Lavifood vừa đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Nhà máy được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15 ha và tổng số vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng. Đây là một trong những nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.
Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại tỉnh Tây Ninh. |
Toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy Tanifood được nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… với những công nghệ hiện đại như công nghệ xử lý sản phẩm tươi bằng nhiệt hơi nước (VHT- Vapour Heat Treatment) của Nhật Bản; công nghệ chần trụng rau củ được nhập khẩu từ Mỹ, tạo ra sản phẩm sử dụng ngay mà không qua chế biến; công nghệ cấp đông IQF (Individual Quick Frozen) của Mỹ để sản xuất trái cây tươi và rau củ đông lạnh, giúp giữ được tối đa sự tươi ngon cũng như dinh dưỡng sau quá trình xử lý; công nghệ cô đặc và đóng lon của Italy.
Bên cạnh đó, nhà máy Tanifood còn sở hữu các công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản, giúp giữ hương vị nguyên bản và độ ngọt của trái cây; công nghệ xử lý bằng áp suất cao HPP của Mỹ (High Pressure Processing) giúp giữ trọn độ tươi ngon và dinh dưỡng của thành phẩm, kéo dài thời hạn sử, nâng cao giá trị, độ an toàn của sản phẩm. Đây cũng là một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.
Toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy Tanifood được nhập khẩu từ nước ngoài. |
Ngoài việc đầu tư cho công nghệ chế biến, Lavifood còn xây dựng chuỗi liên kết 6 nhà gồm nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối để phát triển vùng trồng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, sản phẩm của Lavifood sẽ "sạch" từ nguyên liệu đến chế biến và sẵn sàng để xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Với việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nhà máy Tanifood là nơi sản xuất các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Với công suất lên đến 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, nhà máy chế biến tất cả loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau. Trong đó, nông sản loại 1 làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai.
Sự ra đời của nhà máy không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro từ thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam mà còn cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân tỉnh Tây Ninh từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Nhà máy có công suất 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm. |
Những chính sách phát triển của Lavifood giúp phát triển thế mạnh của Việt Nam, giúp nông dân có thu nhập tốt, nhà đầu tư có điều kiện đóng góp cho đất nước, tăng thu nhập cho người nông dân lên 14 lần trong khi sản phẩm được giới thiệu và bảo đảm tiêu thụ.