Ông Đinh Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Lavifood đã có những chia sẻ xung quanh việc hợp tác xây dựng nhà máy, hứa hẹn giải quyết đầu ra cho nông dân trồng củ cải tại khu vực phía Bắc.
- Nhà máy này sẽ cung cấp các sản phẩm đầu ra nào thưa ông?
- Nhà máy liên doanh giữa Lavifood và ILMI đặt tại khu công nghiệp VSIP Hải Dương, có công suất 15.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Nông dân trồng nhiều loại rau củ và giống khác nhau nên sản phẩm của nhà máy đa dạng, chủ yếu là củ cải, cải thảo, dưa chuột, cà rốt...
Củ cải đường kính lớn có thể làm sản phẩm cuốn thay cho lá xà lách mà người Việt thường sử dụng. Loại có đường kính nhỏ hơn và ngắn sẽ cắt sợi mỏng, muối chua hoặc để ăn sống như dưa chuột, làm kim chi, sấy khô rồi muối... Từ các loại củ này có thể làm đến hàng trăm sản phẩm.
- Là doanh nghiệp chủ quản của nhà máy, xin ông cho biết thời gian hoạt động dự kiến và năng suất trung bình của nhà máy?
- Tháng 8 này nhà máy sẽ bắt đầu khởi công xây dựng, đến tháng 5/2019 là có thể đi vào hoạt động. Với công suất 15.000 tấn thành phẩm mỗi năm, vùng trồng nguyên liệu cần khoảng 600 ha, gồm củ cải, dưa chuột, cải thảo, cà rốt. Trong đó củ cải chiếm khoảng 2/3, trung bình nguyên liệu cần khoảng 60.000-70.000 tấn củ cải.
- Thời gian qua giá thu mua nông sản luôn biến động. Ông đánh giá sao về việc này?
- Chúng ta từng giải cứu củ cải, các loại rau, thịt heo... Tuy nhiên, số lượng được giải cứu đó mới chiếm một phần nhỏ, gốc rễ vẫn chưa giải quyết được. Xã Tráng Việt đã được các ban, ngành, doanh nghiệp chung tay giải cứu 1.500 -2.000 tấn củ cải. Giờ còn sót lại khoảng hơn trăm tấn, công ty sẽ mua hết.
Chiến lược ngắn hạn hoặc dài hạn có thể còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhưng theo tôi, để giải quyết được gốc rễ cần phải có nhà máy chế biến. Điều đó sẽ giúp tiêu thụ nông sản của nông dân và tạo sự ổn định, đồng thời làm tăng giá trị củ cải thô lẫn thành phẩm cuối cùng. Cùng một lúc chúng ta giải quyết được 2 vấn đề vừa công nhân vừa nông dân. Còn ở góc độ thương mại, chúng ta đã đa dạng hóa sản phẩm để có thể hòa vào dòng thương mại thế giới.
Đại diện Công ty Lavifood, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và Công ty ILMI thăm và thu mua củ cải của bà con, chuẩn bị xây dựng nhà máy củ cải lớn tại Hải Dương. |
- Nếu nhà máy mới này thu mua nguyên liệu, cụ thể ở đây là củ cải, bà con trồng nông sản sẽ được hưởng lợi những gì?
- Giá mua củ cải sẽ ký kết trên cơ sở hạch toán cụ thể để thấy được lợi nhuận cho nông dân. Khi cung cấp đúng loại giống chuẩn cần trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật dưới hình thức cánh đồng lớn để tăng sản lượng, chất lượng, tiết giảm chi phí các công đoạn trồng trọt theo quy trình, thu hoạch bằng máy móc, lợi nhuận sẽ được tối ưu.
Mỗi năm củ cải có thể trồng 2 vụ, tổng thời gian là 6 tháng, 6 tháng còn lại trồng các loại rau củ khác. Như vậy, với nông dân đang có thu nhập thấp trong canh tác rau củ, đây là chìa khóa để chuyển đổi. Chúng tôi tự tin so sánh tình trạng của người nông dân trước và sau khi hợp tác với chúng tôi sẽ có sự khác biệt tích cực.
Trong tương lai khi nhà máy hoạt động ở Việt Nam, sản phẩm liên quan đến củ cải, cải thảo, các loại kim chi, rau củ muối chua sẽ xuất hiện và người Việt cũng tham gia vào quá trình sử dụng sản phẩm này. Có thể hiện nay ít doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, nhưng hứa hẹn khoảng 5 năm tới, lượng người tiêu dùng tăng, những ông lớn cũng sẽ nhảy vào, lúc đó tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Càng cạnh tranh người nông dân càng có lợi.
- Vùng nguyên liệu của nhà máy sẽ được quy hoạch như thế nào thưa ông?
- Dự kiến các xã, huyện ven sông Hồng đang chuyên canh các loại rau củ đều phù hợp trồng củ cải, không nhất thiết chỉ tập trung ở Hải Dương. Trước mắt, chúng tôi chọn các vùng trồng củ cải sẵn có để làm cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu bởi nông dân đã quen trồng, hiểu cây củ cải và thị trường nên dễ dàng tiếp cận việc chuyển đổi. Họ là những người giúp truyền tải sâu rộng tính hiệu quả sau chuyển đổi.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của dự án này?
- ILMI là công ty chuyên chế biến củ cải, kim chi, các loại rau củ muối chua có uy tín tại Hàn Quốc. Nhà máy bên Hàn Quốc đã hết công suất, ILMI cũng đang mở rộng thị trường bán sản phẩm sang các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc.
ILMI nhận ra một điểm sáng ở Lavifood là ngoài kinh doanh thuần túy, các nhà máy còn quan tâm tới các vấn đề xã hội, gắn liền với người nông dân. Chúng tôi cảm nhận liên doanh Lavifood và ILMI sẽ đi xa được với nhau.