Câu chuyện giải cứu nông sản bắt đầu từ khoảng năm 2014-2015, với hành tím Sóc Trăng.
Khi đó, Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu. Hơn 150.000 tấn hành tím khó có khả năng tiêu thụ, giá có lúc về 3.000-4.000 đồng/kg, trông chờ vào các biện pháp giải cứu.
Mỗi năm giải cứu 3 loại nông sản
Cũng trong năm 2015, hàng nghìn tấn dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi không tìm được đầu ra. Nông dân đổ dưa cho bò ăn, bỏ ruộng không thu hoạch.
Cùng năm, 1.500 tấn thanh long Bình Thuận lại được kêu gọi giải cứu vì thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua. Lần thứ ba trong một năm, cả nước chung tay giải cứu nông sản.
Đầu năm 2017, câu chuyện tìm đầu ra cho chuối Đông Nam Bộ và dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi lại một lần nữa trở thành chủ điểm của ngành nông nghiệp.
Sau đó một năm, câu chuyện giải cứu thịt heo được chú ý hơn cả, khi giá heo hơi giảm kỷ lục trên khắp cả nước, có thời điểm 1 kg chỉ bằng 4 cốc trà đá. Bất đắc dĩ, người nuôi phải kiêm luôn người bán, mang thịt đến từng khu chợ, từng ngõ phố để vớt vát đồng vốn.
Giải cứu nông sản được cho là trở thành phong trào bắt đầu với hành tím Sóc Trăng. Ảnh: TL. |
Thương lái ngừng mua, nhiều chủ trang trại báo lỗ hàng trăm triệu đồng, có người thậm chí bỏ heo con vì sợ nuôi lớn rồi… không ai mua. Bộ Nông nghiệp đích thân đứng ra kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương tìm cách hỗ trợ người dân tiêu thụ thịt heo.
Đến nửa cuối năm 2017, giá thịt heo mới bắt đầu có dấu hiệu trở lại ngưỡng bình thường.
Gần đây nhất, su hào, củ cải trắng, khoai tây tại một số tỉnh miền Bắc lại dư thừa hàng nghìn tấn. Nông dân nhổ bỏ khi không thể tiêu thụ, giá giảm kỷ lục. Nông sản được bày bán ở khắp các siêu thị lớn, tuyến đường thủ đô.
Hành tím, dưa hấu, thanh long, chuối, gừng, cà chua, su hào, cải trắng, khoai tây, nay đến hồ tiêu cũng đang đứng trước nguy cơ cần giải cứu.
Trả lời báo chí sau những vụ mùa thất thu,đa số nông dân đều có chung nguyện vọng: “Mong cả nước giúp đỡ, nông dân chúng tôi đủ khổ rồi”.
Về tình, nhiều người tỏ ra đồng cảm trước câu chuyện nông sản rớt giá, nguồn thu từ nông nghiệp vốn đã không cao nay lại càng thê thảm. Song về lý, không ít người cho rằng rớt giá, không có đầu ra là hệ quả tất yếu của việc sản xuất thiếu kế hoạch, định hướng.
Mọi biện pháp giải cứu chỉ mang tính tạm thời, không thể áp dụng quá nhiều tránh tình trạng người dân ỉ lại xã hội, cũng như phá vỡ quy luật cung - cầu trên thị trường.
Có ý kiến gay gắt hơn thì cho rằng: “Làm nông nghiệp cũng như làm các lĩnh vực khác, rủi ro là điều không tránh khỏi. Bên cạnh những vụ mùa thất thu, dĩ nhiên sẽ có vụ cho năng suất cao, thu nhập tốt. Giải cứu năm này sang năm khác là điều tuyệt nhiên không nên làm”.
Cứu đến bao giờ?
Dễ thấy sau nhiều vụ mùa nông sản dư cung, khó bán, diện tích canh tác tại một số địa phương vẫn không có dấu hiệu được kiểm soát, chất lượng sản phẩm không được cải thiện.
Năm 2017, khi nhiều đơn vị vận động giải cứu dưa hấu, không ít người lên tiếng phản ánh tình trạng dưa hấu kém chất lượng, màu sắc, mùi vị đều nhợt nhạt. Nếu đem ra để so sánh với các loại dưa hấu khác trên thị trường, dưa Quảng Nam, Quảng Ngãi khó tiêu thụ không phải là điều bất ngờ.
Trả lời Zing.vn, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho rằng chính người nông dân cần “tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Tấm ảnh nông dân Bùi Khánh Đãng ở Cần Thơ khóc trên ruộng dưa vào năm 2014 khi dưa bị hỏng sau mưa khiến không ít người ám ảnh. Cảnh được giá thì mất mùa, được mùa thì mất giá, phải giải cứu diễn ra thường xuyên với không ít loại nông sản, trong đó có dưa hấu. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Từ trước đến nay, người dân chủ yếu sản xuất theo thói quen, tập tục mà chưa có sự đánh giá, xem xét nhu cầu của thị trường. Sản xuất thiếu kế hoạch dẫn đến việc dư cung không phải là điều quá khó hiểu.
Theo đại diện trung tâm, các HTX, tổ chức, hiệp hội nông nghiệp cũng cần phát huy vai trò trong việc định hướng sản xuất và phân phối cho người dân, tránh tình trạng “giải cứu” liên tục như hiện nay.
Vị này cũng cho hay thực tế, câu chuyện giải cứu nông sản không phải riêng ở Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển trên thế giới, dư cung, nhổ bỏ nông sản cũng từng xuất hiện nhiều lần.
“Đó là câu chuyện đặc thù của cơ chế thị trường, chủ khi nào cân đối được cung - cầu, câu chuyện này mới có thể chấm dứt”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, lại quan điểm cần xem xét vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như các tổ chức liên quan trước khi đổ lỗi cho người dân.
Theo ông Phú, câu chuyện “giải cứu” nông sản hiện nay như “đặc sản” của nông nghiệp trong nước.
“Vừa cũ, vừa mới, cũ vì năm nào cũng có, mới vì mỗi năm lại có thêm một vài loại nông sản cần giải cứu, và biện pháp giải quyết thì vẫn chung chung, chưa cụ thể”, ông nói.
Các biện pháp giải cứu như hiện nay chỉ mang tính tạm thời, thậm chí nhiều phương được xem là “cứu rỗi một cách sực nhớ” mà chưa có tính kế hoạch lâu dài. “Các nhà bán lẻ cần nhạy bén, có trách nhiệm và gắn bó hơn với người nông dân”, ông nhấn mạnh.
Dưa hấu Nhật 1,7 triệu/kg vẫn được mua
Cũng liên quan đến nông sản dư thừa, có ý kiến cho rằng trong lúc một số mặt hàng trong nước không có đầu ra, vứt bỏ hàng nghìn tấn mỗi năm thì một vài mặt hàng tương ứng vẫn phải nhập khẩu.
Đơn cử, 4 tháng đầu năm 2017, theo thống kê của cơ quan hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 990 con heo giống, kim ngạch hơn 732.000 USD. Tổng lượng thịt heo đã nhập là hơn 3.000 tấn, kim ngạch đạt gần 5,3 triệu USD. Nhưng cũng trong thời điểm này, giá thịt heo hơi, heo con trong nước giảm kỷ lục. Nhiều hộ chăn nuôi báo lỗ hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Tương tự với dưa hấu và khoai tây. Dưa hấu Nhật 1,7 triệu đồng/kg vẫn được mua vì chất lượng đảm bảo, nhưng dưa Việt thì phải giải cứu. Khoai tây Pháp sắp vào Việt Nam nhưng trong nước, mọi người đang giải cứu khoai tây.
Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú và ông Đào Văn Hồ đều nhận định mở cửa thị trường và sự xuất hiện của các mặt hàng ngoại là quy luật cạnh tranh tất yếu.
Không thể xem việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản là nguyên nhân của tình trạng dư cung nông sản trong nước. Thay vì đó, ngành nông nghiệp, nông dân cần xem đó là động cơ nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho thị trường nông sản Việt Nam hiện nay.
Năm 2017, giá thịt heo giảm mạnh, chiến dịch giải cứu thịt heo được triển khai trên cả nước. Ảnh minh hoạ: M.Hoàng. |
Bước đầu tiên để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay, theo ông Phú, cần có quy hoạch sản xuất theo vùng, có vùng chuyên canh, gắn kết sản xuất với hệ thống phân phối, luật hoá vấn đề phân phối lợi nhuận, đảm bảo lợi ích tối đa cho người sản xuất.
Ông nhận định nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước là biện pháp tối quan trọng nhằm định hướng sản xuất, phân phối cho người dân, giảm thiểu sự độc quyền, các chi phí trong khâu vận chuyển, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Vai trò của doanh nghiệp về cung cấp thông tin thị trường, hoạch định kế hoạch và quy trình sản xuất, thu mua sản phẩm trực tiếp từ người dân là những việc làm thiết thực trong bối cảnh hiện tại cũng cần được để ý.
Ông Đào Văn Hồ chia sẻ một số doanh nghiệp trong nước đề xuất thay đổi cây trồng để định hướng xuất khẩu.
Chẳng hạn với củ cải trắng ở Mê Linh, một công ty đề xuất thay bằng rau chân vịt, rau càng cua để xuất khẩu ra nước ngoài. Cạnh đó, nhiều nhà máy bảo quản, chế biến nông sản cũng đang được xây dựng và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như giải quyết tình trạng nông sản dư thừa như hiện nay.