Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, không loại trừ khả năng có đái tháo đường từ trước mà chưa được chẩn đoán.
TS.BS Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái Tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho hay giống như các loại đái tháo đường khác, đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng tới chuyển hóa đường của các tế bào. Đái tháo đường thai kỳ gây ra tình trạng lượng đường (glucose) trong máu cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và bé.
"Đa phần đái tháo đường thai kỳ không có triệu chứng gì đáng chú ý. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy khát nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn", bác sĩ Lê Quang Toàn nói.
Biến chứng
Đái tháo đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tình trạng tăng đường máu. Tình trạng tăng đường máu có thể gây rất nhiều vấn đề cho sức khỏe của mẹ và bé.
Biến chứng cho thai nhi
- Thai nhi quá cân: Nếu lượng đường máu của mẹ cao hơn mức cho phép, thai nhi có thể phát triển quá lớn (quá 4 kg), dễ dẫn đến chấn thương khi sinh hay cần phải đẻ mổ.
- Sinh non: Đường máu cao gây tăng nguy cơ sinh non hoặc phải sinh sớm.
- Suy hô hấp: Trẻ ngay sau sinh có nguy cơ bị suy hô hấp.
- Hạ đường máu sơ sinh: Trẻ có thể bị hạ đường huyết ngay sau sinh và có thể co giật. Truyền glucose đường tĩnh mạch giúp đường máu của trẻ trở lại bình thường.
- Béo phì và đái tháo đường muộn: Trẻ có nguy cơ cao hơn mắc béo phì và đái tháo đường khi lớn lên.
- Thai chết lưu: Đái tháo đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến thai chết lưu.
- Di tật bẩm sinh: Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường huyết, thai nhi có nguy cơ cao bị mắc các dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ này là 6-12% ở các bà mẹ không được kiểm soát đường huyết tốt. Các dị tật có thể gặp phải: Dị tật ở hệ thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo)... Phổ biến nhất là các dị tật tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)…
Biến chứng cho mẹ
- Huyết áp cao và tiền sản giật: Đái tháo đường thai kỳ làm gia tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và tiền sản giật. Đây là những biến chứng nặng trong thời kỳ mang thai, có thể ảnh hướng đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
- Phải đẻ mổ: Các mẹ bầu có đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đẻ mổ cao hơn.
- Mắc đái tháo đường sau này: Nếu mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ thì lần mang thai sau sẽ dễ mắc lại. Ngoài ra, nó cũng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 sau này.
Khi nào cần đi khám?
Theo bác sĩ Toàn, nếu có thể, bạn nên đi khám từ sớm, trước khi mang thai để các bác sĩ sàng lọc các nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ và kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Nếu được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bạn cần phải đi khám thường xuyên hơn. Đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, các bác sĩ sẽ cần theo dõi đường huyết của bạn và sức khỏe của thai nhi.
Bác sĩ Đặng Thị Huệ, khoa Quốc tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao thì nên được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ từ lần khám thai đầu tiên.
Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Ít hoạt động thể lực
- Tiền sử mắc tiền đái tháo đường
- Tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nan
- Có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em) mắc đái tháo đường
- Tiền sử sinh con cân nặng quá 4 kg
- Một số chủng tộc: Người da đen, người Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Ấn, người Mỹ gốc Á.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ cho tất cả thai phụ chưa được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
"Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được cơ chế rõ ràng tại sao mẹ bầu này thì mắc mà mẹ bầu khác lại không. Tuy nhiên, thừa cân trước khi mang thai có thể đóng một vai trò nào đó. Trong thai kỳ, lượng hormone trong máu thay đổi, khiến cơ thể khó khăn hơn trong việc điều hòa lượng đường. Điều này có thể dẫn đến tăng đường máu", trưởng khoa Đái Tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho hay.
Ngăn chặn
Theo TS Toàn, chúng ta không có biện pháp ngăn chặn hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên, việc thực hiện các thói quen lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc cũng như đóng vai trò quan trọng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ.
Ăn thực phẩm lành mạnh: Chọn các thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo. Hãy tập trung vào rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt. Đa dạng các loại thực phẩm giúp bạn ngon miệng mà vẫn đạt mục tiêu của mình.
Hoạt động thể lực: Tập luyện trước khi mang thai giúp bạn giảm bớt nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Mục tiêu là 30 phút hoạt động trung bình mỗi ngày trong hầu hết ngày trong tuần. Bạn có thể đi bộ nhanh, đạp xe…
Khởi đầu mang thai với cân nặng hợp lý: Nếu bạn có ý định mang thai, việc giảm cân trước đó sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh hơn. Lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn cả khi mang thai và sau này.
Không nên tăng cân quá mức khuyến nghị: Việc tăng cân trong khi mang thai là bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, việc tăng cân quá nhanh và quá mức có thể gia tăng mắc đái tháo đường thai kỳ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.