Bạn sẽ làm gì nếu biết cơ thể mình đang bị huỷ hoại dần dần, và đến lúc nào đó mình sẽ chết mà không thể tìm ra cách nào điều trị?
Unzue, cựu thủ môn Barca, người từng đóng vai trò quan trọng trong cú ăn ba vĩ đại của đội bóng xứ Catalonia năm 2015 đã rơi vào bi kịch như thế.
Juan Carlos Unzue có mặt tại sân Camp Nou để công bố thông tin mình mắc phải căn bệnh quái ác mang tên xơ cứng cột bên teo cơ (ALS). Ảnh: Barcelona FC. |
Bị kịch của Unzue
Hôm 18/6, cựu HLV trưởng của Celta Vigo có mặt tại phòng họp báo của Barcelona để thông báo về việc mình đã mắc phải bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS).
“ALS là một căn bệnh đặc biệt, nó sẽ tác động đến tứ chi và chưa có cách điều trị”, Unzue chia sẻ với báo chí. “Chỉ có một vài loại thuốc có thể giúp người ta kìm hãm lại việc bị teo cơ, hay sự bùng phát của bệnh mà thôi”.
Theo định nghĩa từ NINDS, Amyotrophic lateral sclerosis (ALS) là một bệnh thần kinh cực hiếm, nó gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm kiểm soát chuyển động cơ bắp như đi bộ hoặc nói chuyện.
Theo thời gian, cơ thể sẽ diễn ra quá trình biến đổi bất thường, khi các cơ bắp không còn được nuôi dưỡng và teo hoá đi dần dần. Đến cuối cùng, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong, thường là do hội chứng suy hô hấp.
Như Unzue tiết lộ, hiện tại không có cách chữa trị nào cho ALS. Giới y khoa trong nhiều năm qua đã đưa ra nhiều nghiên cứu, nhưng vẫn không tìm ra cách chữa trị cho căn bệnh này.
Đây được xem là một trong những căn bệnh kì lạ nhưng vô cùng nguy hiểm mà nhân loại từng chứng kiến.
Thế giới bóng đá đã dành nhiều sự an ủi cho Unzue, một trong những trợ lý quan trọng của Luis Enrique kể từ khi ông bắt đầu nghiệp HLV.
Xuất thân là một thủ môn, Unzue chơi cho Osasuna, Barca, Sevilla rồi sau này treo giày theo nghiệp huấn luyện. Kể từ khi Enrique bắt đầu gây dựng dấu ấn trên tư cách HLV trưởng, Unzue đã theo chân vị HLV này từ Celta Vigo cho đến Barcelona. 9 danh hiệu Enrique có được tại Barca ghi dấu ấn không nhỏ của Unzue.
“Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi đã sống một cuộc đời như hiện tại”, Unzue nói. Lời chia sẻ của vị trợ lý này gây xúc động, bởi cựu danh thủ 53 tuổi đã xác định phần đời còn lại của mình gần như sẽ bị huỷ hoại bởi ALS.
Khi Real Madrid đối đầu Valencia rạng sáng 19/6 (giờ Hà Nội), các cầu thủ hai đội đã dành những lời động viên cho Unzue: “Mạnh mẽ nhé, Unzue, chúng tôi luôn ở bên bạn”.
Bóng đá thế giới, đặc biệt là bóng đá Tây Ban Nha bàng hoàng trước thông tin Unzue mắc ALS. Căn bệnh này, nhìn ở một góc độ nào đó còn quái ác hơn cả ung thư.
Hàng loạt nhân vật tiếng tăm của bóng đá Tây Ban Nha đã có mặt trong buổi họp báo của Unzue. HLV trưởng đội tuyển Tây Ban Nha, Luis Enrique, HLV trưởng Barca Quique Setien, cùng Gerard Pique Sergio Busquets, Carles Puyol hay Chủ tịch Bartomeu không giấu nổi sự xúc động trước thông báo của Unzue.
Cựu danh thủ sinh năm 1967 sẽ chia tay nghiệp huấn luyện, để dành quãng thời gian còn lại chiến đấu với căn bệnh, cũng như góp một phần nào đó nhằm kêu gọi sự quan tâm từ cộng đồng cho căn bệnh hiếm gặp này.
Những cú đánh đầu, va chạm mạnh trên sân cỏ là nguyên nhân khiến các cầu thủ bóng đá mắc phải ALS cao hơn người bình thường. Ảnh: Getty. |
Lời cảnh báo cho giới cầu thủ
Lời cảnh báo của Unzue không thừa, bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng những cầu thủ chuyên nghiệp có nguy cơ mắc ALS cao hơn nhiều lần so với người thường.
Tháng 5/2019, các báo cáo từ một hội nghị của Viện Hàn lâm Thần kinh học Hoa Kỳ (National Academy of Science - NAS) cho thấy sự liên quan giữa việc chơi bóng đá chuyên nghiệp đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ALS.
Các cầu thủ chuyên nghiệp có thể bị ALS sớm 21 năm so với người thường. Tác giả của nghiên cứu là bác sĩ y khoa người Italy, Ettore Beghi thuộc Viện nghiên cứu Y học ở Milan.
“Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp cầu thủ bóng đá người Italy tử vong do ALS”, bác sĩ Beghi cho biết. “Những chấn thương đầu trong quá trình tập luyện và thi đấu đã dẫn đến nguy cơ này”.
Tỷ lệ mắc ALS trong cộng đồng ở Italy là 0,0017%, con số cực kỳ thấp. Tuy nhiên, các cầu thủ có tỷ lệ mắc ALS cao hơn 4,7 lần so với người bình thường.
Tháng 8/2014, trào lưu “dội nước đá” (Ice Bucket Challenge) được ra đời nhằm kêu gọi mọi người quyên góp cho quỹ nghiên cứu và hỗ trợ bệnh nhân mắc chứng bệnh ALS. Đó là thời điểm số ca mắc ALS bất ngờ tăng nhanh trên thế giới.
Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, David Beckham hay những người nổi tiếng như Bill Gates, Mark Zuckerberg đã hưởng ứng trào lưu này.
Năm 2016, hình ảnh Ronaldo ôm cựu danh thủ Fernando Ricksen đã gây xúc động mạnh trong công chúng. Từng khoác áo Rangers và đoạt Cup UEFA mùa 2007/08 trong màu áo Zenit, cuộc đời của Ricksen hoá bi kịch khi mắc ALS.
Ronaldo chủ động mời Ricksen và vợ con sang dự khán trận Real Madrid gặp Legia Warsaw ở vòng bảng Champions League hồi tháng 10/2016. Ảnh: Getty. |
Trong giới bóng đá ghi nhận nhiều trường hợp khác mắc ALS và đã qua đời. Đó là cầu thủ Stefano Borgonovo (cựu sao AC Milan), Gianluca Signorini (cựu sao Roma), Nowak Krzysztof (cựu sao Wolfsburg),...
Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch ATP (Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp) Brad Drewett cũng qua đời tháng 5/2013, chỉ 4 tháng sau khi thông báo mình mắc ALS. Trên thế giới, nhà vật lý Stephen Hawking là một trong những người nổi tiếng khác mắc bệnh, và qua đời vì ALS.
Đến năm 2019, thống kê của Medicalxpress cho thấy có tổng 33 cầu thủ bóng đá trên thế giới mắc ALS, trong đó có tới 18 trường hợp ở Italy. Trường hợp mới nhất của Unzue cho thấy, đã đến lúc người ta cần quan tâm hơn đến căn bệnh hiếm gặp này, đặc biệt ảnh hưởng của nó lên giới cầu thủ.