Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 10/12 cho biết các lệnh trừng phạt dựa trên những cáo buộc vô căn cứ.
"Sắc lệnh Hành pháp là hành động đường đột chống lại những nỗ lực nhằm khôi phục sự tín nhiệm và lòng tin giữa Campuchia và Mỹ", tuyên bố viết.
Tuyên bố bảo vệ cả các doanh nhân có ảnh hưởng và các cựu quan chức bị nhắm đến bởi các lệnh trừng phạt, những người bị đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm kinh doanh với Mỹ.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Liên Hợp Quốc ở Nonthaburi, Thái Lan, ngày 3/11. Ảnh: AP. |
Bộ Ngoại giao Campuchia "bày tỏ vô cùng thất vọng về quyết định độc đoán" với các công dân Campuchia. Tuyên bố từ cơ quan này còn khẳng định các quan chức đó đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã áp lệnh trừng phạt đối với Try Pheap và 11 công ty thuộc sở hữu hoặc do ông kiểm soát vì cáo buộc tham nhũng và khai thác gỗ bất hợp pháp. Các công ty tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác nhau bao gồm du lịch, phát triển bất động sản và năng lượng.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết ông Pheap đã xây dựng mạng lưới khai thác gỗ bất hợp pháp rộng lớn, mua bảo đảm từ các quan chức chính phủ và quân đội và xuất khẩu gỗ xẻ sang nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu...
Theo AP, ông Pheap phản hồi các cáo buộc tham nhũng trong quá khứ trong các bài đăng trên Facebook nói rằng các doanh nghiệp của ông đều hợp pháp và tuân thủ luật pháp.
Bộ Tài chính Mỹ cũng quyết định xử phạt cựu tướng Kun Kim, ba người thân của ông và các doanh nghiệp gia đình của họ vì cáo buộc tham nhũng và khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.
Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin cho biết các lệnh trừng phạt, được công bố hôm 9/12 vào Ngày Quốc tế chống Tham nhũng, nhắm vào người dân và các thực thể ở Latvia, Serbia, Venezuela, Hong Kong và Campuchia bị nghi ngờ hoạt động bất hợp pháp "phá hoại nền tảng của các xã hội ổn định, an toàn và toàn diện".