Giới chức Campuchia dán áp phích cảnh báo người dân về các mối đe dọa của virus cúm gia cầm H5N1 ở tỉnh Prey Veng. Ảnh: AP. |
Bà Youk Sambath, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, xác nhận Đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế nước này đã phát hiện thêm 12 người có khả năng nhiễm H5N1 tại tỉnh Prey Veng, Khmer Times đưa tin ngày 24/2.
Bà Youk Sambath cho hay 4 trong số những người mắc H5N1 đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế Campuchia đã lấy mẫu của họ để phân tích tại một phòng thí nghiệm ở Phnom Penh và kết quả sẽ được công bố trong hôm nay.
Ngoài ra, theo Bộ Y tế Campuchia, các đội đang điều tra khu vực có người nhiễm H5N1.
Bà Youk Sambath cho biết thêm đội ứng phó khẩn cấp sẽ tiếp tục tìm kiếm những người bị ảnh hưởng bởi cúm gia cầm trong trường học.
Theo tuyên bố, “một số lượng động vật hoang dã chết bất thường” đã được tìm thấy gần nơi bé gái bị nhiễm bệnh sinh sống.
Trước đó, Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận trường hợp bé gái 11 tuổi tử vong vì cúm gia cầm H5N1.
Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết đây là trường hợp nhiễm chủng H5N1 đầu tiên trên người được biết đến ở quốc gia này kể từ năm 2014, theo Guardian.
Bé gái đến từ tỉnh Prey Veng, phía đông thủ đô Phnom Penh, được chẩn đoán nhiễm virus cúm gia cầm sau khi bị sốt cao và ho vào ngày 16/2, tuyên bố cho biết.
Bộ Y tế địa phương cho hay khi tình trạng xấu đi, cô bé đã được chuyển đến Bệnh viện nhi quốc gia ở Phnom Penh để điều trị, nhưng qua đời hôm 22/2.
Tổ chức Thú y Thế giới cho biết từ đầu năm 2022, dịch cúm gia cầm đã tàn phá các trang trại chăn nuôi trên khắp thế giới. Hơn 200 triệu gia cầm đã chết vì dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy hàng loạt.
Tổ chức Y tế Thế giới hồi đầu tháng này đã ghi nhận sự lây lan của cúm H5N1 sang động vật có vú, nhưng cho biết nguy cơ đối với con người vẫn ở mức thấp.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo rằng H5N1 đã lây lan ở gia cầm và chim hoang dã trong 25 năm, nhưng báo cáo gần đây về các ca lây nhiễm ở chồn, rái cá và hải cẩu “cần phải được theo dõi chặt chẽ”.
Hiện tại, WHO đánh giá rủi ro đối với con người ở mức thấp. Kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, sự lây truyền của chủng này từ người sang người rất hiếm gặp.
Bé gái 11 tuổi sống gần một khu bảo tồn và các quan chức y tế đã lấy mẫu từ một con chim chết ở đó.
Những người bị nhiễm cúm gia cầm trong quá khứ thường làm việc trong các trang trại gia cầm hoặc tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.