Một chiếc vương miện vàng, nằm trong bộ sưu tập được gia đình nhà buôn đồ cổ Douglas Latchford hoàn trả cho chính phủ Campuchia. Ảnh: Cambodian Ministry of Culture and Fine Arts. |
Theo Khmer Times, bộ sưu tập trang sức hoàng gia trên bao gồm vương miện, vòng cổ, bùa hộ mệnh và nhiều đồ vật quý giá khác thuộc thời Angkor của Campuchia, kéo dài từ thế kỷ IX cho đến thế kỷ XIV - thời điểm đế chế Khmer là một trong những cường quốc của khu vực Đông Nam Á.
Các quan chức Campuchia cho biết đã nhận lại 77 món đồ từ gia đình của nhà buôn cổ vật người Anh Douglas Latchford.
Ông Latchford qua đời năm 2020 trong khi chờ xét xử tại Mỹ với cáo buộc buôn lậu tác phẩm nghệ thuật. Cũng trong năm 2020, gia đình của Latchford đã đạt thỏa thuận với chính phủ Campuchia về việc trả lại bộ sưu tập đồ cổ đến từ quốc gia Đông Nam Á mà ông đang sở hữu.
Bộ Văn hóa Campuchia cho biết bộ sưu tập trên được bí mật vận chuyển đến nước này vào hôm 17/2, bao gồm "các món đồ bằng vàng và kim loại quý khác từ thời kỳ Angkor và tiền Angkor như vương miện, vòng cổ, thắt lưng, hoa tai".
Theo BBC, các món đồ cổ trên sau khi trở về Campuchia sẽ được trưng bày tại bảo tàng quốc gia ở thủ đô Phnom Penh.
Dưới chế độ Pol Pot vào những năm 1970, hàng nghìn cổ vật ở Campuchia đã bị đánh cắp rồi bị bán cho khách hàng giàu có và viện bảo tàng tại châu Âu hoặc Mỹ. Trong những năm gần đây, nhà chức trách Mỹ đã đẩy mạnh nỗ lực hoàn trả các cổ vật này.
Vào năm 2021, chính phủ Campuchia đã nhận lại 5 tạo tác bằng đồng và đá từ gia đình Latchford. Trong khi đó, vào năm 2022, chính phủ Mỹ đã trả lại 30 cổ vật, bao gồm các bức tượng Phật và tượng thần của đạo Hindu được tạo ra từ hơn 1.000 năm trước.
Bộ trưởng Văn hóa Campuchia Phoeurng Sackona đã kêu gọi các cá nhân và viện bảo tàng trên toàn thế giới trả lại các cổ vật bị đánh cắp nhằm đóng góp vào "nỗ lực hòa giải và hàn gắn vết thương của người dân Campuchia sau hàng thập kỷ chiến tranh".
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.