Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia nói dự luật cấm nói xấu hoàng gia, hay còn gọi là luật "lese majeste", được thiết kế để khiến người dân "lo sợ".
"Mọi người đều sợ cảnh tù tội... Chúng tôi đưa ra luật này để người dân cảm thấy sợ hãi", Channel NewsAsia dẫn lời người phát ngôn Khieu Sopheak.
"Luật này không phải là chuyện lạ ở những nước có vua trị vì. Thái Lan thậm chí còn quy định án phạt nặng nề hơn".
Nhà vua Campuchia Norodom Sihamoni tại Phnom Penh năm 2013. Ảnh: Getty. |
Thái Lan là nước có luật "lese majeste" nghiêm khắc nhất thế giới khi người vi phạm có thể bị kết án 15 năm tù với mỗi hành vi xúc phạm hoàng tộc. Trong khi đó, theo dự luật của Campuchia, người vi phạm có thể đối mặt với mức án từ 1 đến 5 năm tù và tiền phạt lên đến 2.500 USD.
Chin Malin, người phát ngôn Bộ Tư pháp, nói Campuchia lẽ ra nên ban hành luật để trừng phạt người nói xấu nhà vua mới sớm hơn.
"Hiến pháp đã quy định rằng đức vua là người không ai được phép xúc phạm nhưng luật hình sự của chúng tôi không có điều khoản quy định việc xử phạt người xúc phạm đức vua. Do đó, chúng tôi cần phải sửa đổi luật hình sự", ông nói.
Nhà vua Sihamoni gần như vắng mặt trong đời sống chính trị Campuchia. Ảnh: Getty. |
Ông Malin cho biết những bình luận trên báo chí và mạng xã hội đã ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của quốc vương Campuchia, cũng như những lãnh đạo của đất nước. Theo ông, hiện tượng này xuất phát từ sự "tha hóa đạo đức".
Vị quan chức cũng xác nhận dự luật dự kiến được quốc hội Campuchia thông qua trước cuộc tổng tuyển cử năm nay. Do đảng cầm quyền chiếm đa số tại quốc hội, việc ban hành luật sẽ không vấp phải trở ngại nào.
Nhà vua Norodom Sihamoni chủ yếu đóng vai trò lễ nghi với tư cách nguyên thủ quốc gia. Ông gần như hoàn toàn vắng mặt trong đời sống chính trị thường nhật, không giống cha mình là cố quốc vương Norodom Sihanouk.