Camera điện thoại. Ngày nay, camera là tính năng gắn liền với điện thoại, được mọi người sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Cảm biến kích cỡ nhỏ được phát triển từ những năm 1990 tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Khi đó, một nhóm nhà khoa học do Eric Fossum dẫn đầu đã thu nhỏ thành công cảm biến CMOS, mở đường cho việc đưa nó vào các thiết bị khác nhau, từ điện thoại, camera an ninh đến chuông cửa, camera hành trình trên xe hơi. Ảnh: NASA. |
Tai nghe không dây. Plantronics là thương hiệu quen thuộc trên thị trường thiết bị âm thanh. Tai nghe không dây của họ được bán ra rộng rãi trên toàn cầu. Vào những năm 1960, NASA hợp đồng với đơn vị nghiên cứu ITT Labs để phát triển hệ thống vô tuyến di động, giúp các phi hành gia liên lạc với nhau, không phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống sẵn có trên tàu. ITT Labs đã phát triển mô hình dựa trên nguyên mẫu tai nghe dùng trong hàng không của Plantronics. Sau đó, NASA trực tiếp làm việc với hãng sản xuất thiết bị âm thanh để tạo ra phiên bản không dây nhỏ gọn, gắn trực tiếp vào mũ bảo hiểm của phi hành gia. Ảnh: NASA. |
LED. NASA không phát minh ra LED. LED nguyên mẫu ra đời từ đầu thế kỷ 20 và đèn LED như chúng ta biết hiện nay được phát minh bởi nhà khoa học Nick Holonyak của General Electric vào năm 1962. Nhưng NASA dành rất nhiều tiền để tài trợ cho nghiên cứu dựa trên LED, ứng dụng nó vào mọi thứ, từ đèn giúp các phi hành gia trồng cây trên ISS đến đèn LED đỏ và hồng ngoại để điều trị vết thương. Sau các nghiên cứu này, chúng trở thành sản phẩm thương mại được dùng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: NASA. |
Máy tính xách tay. NASA không phát minh ra máy tính xách tay, nhưng tổ chức này đã có ảnh hưởng quan trọng trong những năm đầu phát triển sản phẩm. Vào giai đoạn sơ khai của thị trường máy tính cá nhân, NASA và các cơ quan chính phủ Mỹ hợp đồng với GRiD Compass để cung cấp laptop. Đó là thiết bị có màn hình 320 x 240 pixel, bộ xử lý Intel 8086, RAM 340 KB, có đĩa mềm và hỗ trợ ổ cứng gắn ngoài. Theo yêu cầu của NASA, nhiều chi tiết quan trọng của laptop được bổ sung, bao gồm quạt làm mát và dạng thiết kế vỏ sò gập lại. Ảnh: NASA. |
Nhiệt kế hồng ngoại. Nhiệt kế hồng ngoại rất dễ sử dụng, chỉ cần đặt vào ống tai hoặc đưa lên trán để đo. Sản phẩm này ra đời tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, sau đó được tập đoàn Diatek phát triển thành sản phẩm thương mại. Phương pháp đo nhiệt độ này dựa trên cùng công nghệ hồng ngoại mà NASA đã dùng để đo các nguồn năng lượng hồng ngoại trong không gian xa xôi. Ảnh: NASA. |
Kính chống trầy, ngăn tia cực tím. Trong một nỗ lực nhằm giúp kính che mũ bảo hiểm của các phi hành gia chống tia cực tím và trầy xước tốt hơn, các nhà nghiên cứu của NASA, cùng với công ty kính Foster Grant, đã cải tiến đáng kể cả 2 vấn đề. Kể từ đầu những năm 1980, lớp phủ không trầy do Theodore Wydeven tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tạo ra được áp dụng cho hàng triệu kính mắt và các bề mặt khác — trước tiên là trên kính mát Foster Grant và sau đó đến hàng loạt sản phẩm có trong đời sống. Ảnh: NASA. |
Các dụng cụ điện chạy pin. Làn sóng thiết bị điện tử chạy pin ngày nay bắt nguồn từ một nghiên cứu do NASA đặt hàng. Vào cuối những năm 1960, cơ quan này ký hợp đồng với Black & Decker để sản xuất các phiên bản chạy pin của nhiều công cụ khác nhau, như máy khoan để lấy mẫu Mặt trăng. Việc nghiên cứu và lập mô hình máy tính để tạo ra động cơ hiệu suất cao cho chương trình đã trở thành nền tảng của máy hút bụi cầm tay chạy pin Black & Decker DustBuster ra đời vào năm 1979, thiết bị đánh dấu sự khởi đầu cuộc cách mạng sản phẩm thiết bị gia dụng và dụng cụ điện chạy pin. Ảnh: NASA. |