Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảm xúc trái ngược ở Trung Đông sau trận Mỹ thắng Iran

Người dân ở các quốc gia Trung Đông có cảm xúc trái ngược sau chiến thắng của tuyển Mỹ trước Iran hôm 29/11. Với họ, trận đấu không chỉ đơn thuần là về thể thao.

Hàng triệu ánh mắt trên khắp Trung Đông đã dõi theo trận bóng giữa đội tuyển Mỹ trước Iran tại World Cup vào ngày 29/11 (theo giờ địa phương). Trong hơn 4 thập kỷ căng thẳng giữa Iran và Mỹ, các quốc gia Trung Đông từng nhiều lần đổ lỗi cho hai nước về những tai ương trong khu vực này.

Những người chỉ trích Iran nói rằng họ đã kích động chiến tranh và bất ổn trên khắp thế giới Ả Rập bằng cách hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Lebanon, Syria, Iraq, Yemen và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Ngược lại, nhóm người ủng hộ xem họ là thủ lĩnh của một “trục phản kháng” chống lại Mỹ, các quan chức tham nhũng và hành động của Israel đối với người Palestine.

Sự chia rẽ đặc biệt gay gắt ở Lebanon và Iraq, nơi các phe phái chính trị được Iran hậu thuẫn tranh giành ảnh hưởng với các đối thủ thân phương Tây. Ở những quốc gia này, nhiều người tin rằng Iran và Mỹ xứng đáng lãnh hậu quả ngay cả trên sân cỏ.

Mâu thuẫn chính trị

Cuộc phỏng vấn của AP với những người hâm mộ bóng đá ở Beirut và Baghdad đã cho thấy cảm xúc lẫn lộn của họ về trận cầu giữa Mỹ và Iran.

Ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, nơi ủng hộ lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn, nhiều thanh niên khoác cờ Iran tụ tập trong một quán cà phê treo những biểu ngữ thiếu thân thiện với Mỹ để xem trận đấu.

“Chúng tôi phản đối nước Mỹ trong bóng đá, chính trị và mọi thứ khác”, Ali Nehme nói.

Đối lập với họ, ở bên kia thành phố Beirut, Aline Noueyhed cho biết: “Tất nhiên tôi không ủng hộ Iran sau những gì mà họ đã gây ra. Chắc chắn tôi ủng hộ nước Mỹ”. Song cô nói thêm rằng Mỹ cũng “không hoàn toàn hỗ trợ chúng tôi”.

world cup 2022 anh 1

Một cổ động viên Iran khóc sau khi đội nhà thất bại trong trận đấu ngày 29/11. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Haydar Shakar, một cư dân Iraq, chia sẻ: “Cả hai đều là đối thủ của Iraq và gây ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước tôi”.

“Đó là một giải đấu thể thao và cả hai đều tham gia. Đối với chúng tôi, tất cả chỉ có thế”, anh nói khi đang ngồi trong một quán cà phê treo cờ của cả Iran và Mỹ tại trung tâm thủ đô Baghdad.

Trước trận đấu ngày 29/11 giữa Mỹ và Iran, một câu đùa được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, gọi trận đấu là “lần đầu tiên (hai nước) đối đầu bên ngoài Lebanon”. Một người dùng Twitter khác nói đùa rằng đội thắng ở vòng bảng sẽ “có Iraq”.

Lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn là nhóm vũ trang duy nhất còn nhận tài trợ vũ khí sau cuộc nội chiến năm 1975-1990 ở Lebanon. Hezbollah nói rằng cần vũ khí để bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa từ Israel, đồng thời đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Lebanon.

Những người phản đối Hezbollah coi lực lượng này là cánh tay nối dài của Iran, trong khi nhiều người Lebanon cáo buộc cả Mỹ và Iran can thiệp vào vấn đề nội bộ của họ.

Ở Iraq, cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu năm 2003 đã dẫn đến nhiều năm bạo lực dữ dội, xung đột giáo phái, phe phái chính trị và dân quân do Iran hậu thuẫn. Dù các lực lượng Mỹ và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn cùng chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hai bên nhiều lần đọ súng kể từ khi nhóm khủng bố này bị đánh bại.

Tại Yemen, lực lượng Houthi liên kết với Iran đã giành được thủ đô và phần lớn miền Bắc đất nước vào năm 2014. Kể từ đó, người Houthi đã tham chiến với một loạt phe phái được hỗ trợ bởi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - hai đồng minh của Mỹ.

Iran cũng ủng hộ Palestine, phong trào Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo đối đầu với Israel trong những năm qua.

Cảm xúc trái ngược

Sau khi Mỹ đánh bại Iran với tỷ số 1-0, loại Tehran khỏi World Cup Qatar và tiến vào vòng loại trực tiếp, người hâm mộ bóng đá trên khắp Trung Đông có cảm xúc trái ngược.

Ở Baghdad, Ali Fadel đã cổ vũ cho Iran, vì “họ là một quốc gia láng giềng, một quốc gia châu Á”. “Có nhiều mối liên kết giữa chúng tôi và họ”, anh nói thêm.

Trong khi đó, tại khu bán tự trị của người Kurd ở phía bắc Iraq, Zainab Fakhri, 27 tuổi, ủng hộ việc Mỹ đánh bại Iran nhằm “phản đối những hành động của họ với phụ nữ”, đề cập đến các cuộc biểu tình ở nước này trong thời gian gần đây.

Ở dải Gaza, hầu hết người dân đều cổ vũ cho Iran và rất thất vọng khi nước này thua trận.

“Chúng tôi sát cánh cùng Iran, dù thắng hay thua, bởi đây là quốc gia Hồi giáo duy nhất ủng hộ dải Gaza”, Wasim al-Hendi chia sẻ.

world cup 2022 anh 2

Người Palestine vẫy cờ Iran khi xem truyền hình trực tiếp trận đấu giữa Iran và Mỹ. Ảnh: AP.

Tại World Cup 1998, đội tuyển Mỹ và Iran cũng từng bước vào trận đấu quan trọng dưới áp lực chính trị trong khu vực. Khi đó, Iran đánh bại Mỹ với tỷ số 2-1, loại Wasington khỏi giải đấu.

Chiến thắng này đã góp phần gắn kết những rạn nứt chính trị ở Iran, đồng thời lan tỏa niềm vui đến nhiều quốc gia láng giềng, theo Toronto Star.

Song trong trận đấu năm nay, tình thế đã lật ngược. Với các cuộc biểu tình lan rộng trên toàn quốc, một số người dân Iran công khai chống lại đội của họ. Các cầu thủ cũng từ chối hát quốc ca trong trận mở màn để ủng hộ những người biểu tình tại quê nhà, theo Reuters.

Trong khi đó, ông Danyel Reiche, phó giáo sư tại Đại học Georgetown Qatar, cho biết người hâm mộ World Cup không nhất thiết phải ủng hộ các đội tuyển dựa trên mối liên kết chính trị, ngay cả ở những quốc gia có sự chia rẽ sâu sắc.

Ông Reiche dẫn chứng các môn thể thao địa phương ở Lebanon “được chính trị hóa cao độ”, nhưng khi nhắc đến World Cup, người hâm mộ sẽ chọn bất kỳ đội nào.

“(World Cup) là một trong số ít giải đấu mà mọi người có quyền tự do lựa chọn một quốc gia theo ý thích, thay vì một đất nước mà họ nghĩ rằng họ có nghĩa vụ phải ủng hộ”, vị giáo sư cho biết.

Những cuốn sách hay về thể thao

Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo,...

Tổng thống Biden phấn khích ăn mừng chiến thắng của Mỹ tại World Cup Ngay khi kết thúc bài phát biểu tại một nhà máy sản xuất chip ở Michigan, ông Biden nghe tin về chiến thắng của đội tuyển Mỹ trước Iran và lập tức trở lại bục phát biểu ăn mừng.

Sóng ngầm trước trận Mỹ gặp Iran

Lần chạm trán giữa hai đối thủ địa chính trị lâu năm - Mỹ và Iran - tối 29/11 trong khuôn khổ World Cup càng trở nên căng thẳng do các cuộc biểu tình tại Iran suốt nhiều ngày qua.

Tình thế khó xử trong trận đại chiến tuyển Mỹ gặp Iran

Lịch sử phức tạp giữa Iran và Mỹ đã khiến những cuộc gặp gỡ thể thao đơn giản giữa hai quốc gia trở thành điểm nóng ngoại giao.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm