Xe cộ bắt đầu lưu thông trên tuyến vành đai 2 trên cao sáng 11/1. Ảnh: H.Q. |
Theo phương án phân luồng, các phương tiện không được đi đường vành đai 2 trên cao gồm: Máy kéo, xe máy (kể cả xe máy điện), môtô ba bánh và các loại xe tương tự, người đi bộ, xe thô sơ, súc vật...
Phương tiện đi trên đường vành đai 2 trên cao phải đảm bảo các quy định tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Lực lượng chức năng quy định xe cộ không được quay đầu xe tại đường trên cao, tốc độ khai thác tối đa cho phép trên tuyến chính là 80 km/h; tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường dẫn là 60 km/h.
Việc lưu thông đường trên cao theo hai chiều riêng biệt và được phân chia bởi dải phân cách cứng. Các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại : Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến tại nút giao cầu Vĩnh Tuy.
Tại các vị trí ra - vào, các nhánh lên - xuống đường trên cao, lực lượng CSGT và thanh tra giao thông thực hiện việc kiểm soát phương tiện để đảm bảo khai an toàn.
Sau hơn 4 năm thi công, dự án vành đai trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội vừa được khánh thành. Tuyến đường được khởi công từ tháng 4/2018 với 2 hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Hợp phần đường dưới thấp có quy mô 8-10 làn xe rộng 53,5-63,5 m, vỉa hè rộng 4-6 m mỗi bên và được lát đá, trồng cây giáng hương. Công trình đường trên cao dài hơn 5 km với 4 làn xe dành riêng cho ôtô (rộng 19 m), nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.
Tại lễ thông xe tuyến đường này, lãnh đạo Hà Nội giao Sở GTVT, Công an thành phố có phương án phân luồng hợp lý, kết hợp điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở cuối tuyến, không để xảy ra ùn tắc.
Sơ đồ đoạn tuyến vành đai 2 từ Vĩnh Tuy tới Ngã Tư Sở. Ảnh: Minh Hồng. |
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.