Nhiều người vẫn giữ thành kiến với hình thức cầm đồ truyền thống. Tuy nhiên, đây là loại hình cho vay tài chính xuất hiện khá sớm, thể hiện bằng mối quan hệ dân sự của xã hội. Đa dạng tài sản đảm bảo, thẩm định nhanh chóng là lợi thế của loại hình cho vay này.
Thị trường tỷ đô phát triển từ ngành cầm đồ
Dịch vụ cầm đồ phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt những quốc gia có nền tài chính phát triển. Tại Mỹ, theo các báo cáo được ghi nhận năm 2022, khoảng 11.000 cửa hiệu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ở Singapore, MoneyMax Financial Services Ltd. (MoneyMax) - những nhà môi giới cầm đồ, bán lẻ và kinh doanh các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng - phát triển khá mạnh. Tại đất nước 1,4 tỷ dân Ấn Độ, dịch vụ cầm đồ dường như xuất hiện ở cuối mỗi con phố và người dân có thể cầm cố nhiều thứ, thậm chí vay tiền bảo đảm bằng vàng. Trong khi đó, Thái Lan có các công ty lớn như Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital (MTC), sở hữu khoảng 13.000 phòng giao dịch khắp xứ sở nụ cười.
Dịch vụ cầm đồ phục vụ khách hàng có nhu cầu cấp bách. |
Một số công ty đạt doanh thu lớn trong giai đoạn dịch Covid-19. Đơn cử, doanh thu Muang Thai Capital hơn 16 tỷ baht, lợi nhuận gần 5 tỷ baht (khoảng 3.500 tỷ đồng). Điều đó cho thấy nhu cầu vay vốn thông qua hình thức kinh doanh này không giảm. Thậm chí, trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều người “bám víu” vào loại hình vay vốn đơn giản, lâu đời ấy.
Xu hướng cầm đồ bài bản, đa tiện ích
Song hành sự phát triển của thế giới, các loại hình cầm cố tài sản ở Việt Nam cũng sớm xuất hiện, khởi đầu là những cửa hàng nhỏ lẻ. Theo thống kê của Bộ Công an vào cuối năm 2022, Việt Nam ước tính có 27.000 cơ sở cầm đồ đang hoạt động.
Theo giới phân tích, nhu cầu của nhóm khách hàng dưới chuẩn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do thiếu khả năng chứng minh tài chính và chỉ cần các khoản vay nhỏ, thời gian vay ngắn ngày một tăng. Nắm bắt thị trường ngách, các cửa hàng cầm đồ truyền thống đã đẩy mạnh hoạt động cho vay tài chính.
Thị trường cầm đồ phát triển tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, trong quá trình đó, một số cửa hàng đi theo hướng “tín dụng đen” như vay góp, bốc bát họ lãi suất cao. Nhiều vụ việc cho vay lãi suất cao liên quan đến các cửa hàng cầm đồ đã bị lên án, dẫn đến cái nhìn không tốt, gắn hình ảnh cửa hiệu cầm đồ với hoạt động thu nợ trái luật.
Trong bối cảnh đó, nhiều công ty cho vay cầm cố tài sản kiểu mới ra đời theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Cách làm việc của các công ty này chuyên nghiệp hơn do có sự tư vấn, đầu tư bài bản từ tổ chức quốc tế. Điều này góp phần định hình lại mảng kinh doanh “cũ mà mới”. Công ty kiểu mới được đánh giá chuyên nghiệp trong hoạt động, minh bạch ở điều khoản cho vay... từ đó hạn chế nạn “tín dụng đen”. Đơn cử, F88 với sự đầu tư của các quỹ như Việt Nam - Oman (VOI), Mekong EnterPrise Fund IV, CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark).
Khi quỹ ngoại đầu tư vào một công ty, ngoài vấn đề lợi nhuận, họ thường đòi hỏi quy trình hoạt động bài bản, tuân thủ pháp luật và bảo vệ thương hiệu. Nếu vi phạm pháp luật hay các điều khoản, công ty tài chính có thể tự cắt nguồn đầu tư lớn từ các quỹ nước ngoài. Với sự ràng buộc đó, hoạt động của các công ty cho vay cầm cố tài sản mới bền vững hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.