Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cairo vắng lặng như thành phố ma sau 'tuần đẫm máu'

Lệnh giới nghiêm biến Cairo, một trong những thành phố sôi động nhất thế giới Ả rập, thành một nơi vắng vẻ và căng thẳng, khi màn đêm buông xuống.

Những tiếng nhạc phát ra từ các tàu trên sông Nile và tiếng rao của những người bán hàng rong tắt dần khi mặt trời lặn. Đó là lúc lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực và kéo dài tới tận sáng hôm sau. Phần lớn người dân Cairo trở về nhà khiến thành phố trở nên im lặng khác thường. Binh sĩ tỏa ra khắp nơi. Các xe bọc thép quân sự đậu trên các đường cao tốc, cạnh cầu và trước các trụ sở công quyền. 

Quân đội áp đặt lệnh giới nghiêm sau tuần đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Ai Cập. Hôm 14/8, binh sĩ và cảnh sát đã sử dụng vũ lực để giải tán các trại biểu tình do những người ủng hộ Anh em Hồi giáo lập nên để yêu cầu chính phủ trả quyền lực cho Mohamed Morsi, vị tổng thống dân cử đầu tiên trong nhiều thập kỷ tại Ai Cập. Hơn 800 người đã mất mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và Anh em Hồi giáo.

Cairo là một trong những thành phố sôi động nhất thế giới Ả rập, nhưng giờ đây nó trở nên vắng lặng vào ban đêm. Ảnh: AP.

Trong các đường nhỏ và ngõ, binh sĩ nhường quyền kiểm soát cho những trật tự viên tình nguyện thuộc các “Ủy ban Nhân dân”. Họ cùng với cảnh sát lục soát những người khả nghi dọc theo các cầu hướng về phía sông Nile.

Kano, một trật tự viên 16 tuổi, đứng ở một góc phố để kiểm tra những ô tô chạy ngang qua. “Ai Cập muôn năm!”, cậu hô vang rồi cười.

Các Ủy ban Nhân dân nói rằng họ chặn những xe chở vũ khí của “những kẻ khủng bố” thuộc Anh em Hồi giáo, đồng thời bắt những tên trộm đang lợi dụng tình trạng hỗn loạn để hành nghề.

Tại một khu phố, nhóm trật tự viên nghỉ ngơi tại chốt kiểm soát tạm thời và uống trà. Họ giải thích với phóng viên nước ngoài về cơ chế hành động. Khi một người khả nghi xuất hiện tại chốt, họ sẽ thổi còi để thông báo cho những binh sĩ gần chốt, hoặc gọi điện thoại tới nhân viên mật vụ. Nếu không thể liên lạc với binh lính và mật vụ, nhóm trật tự viên sẽ tự hành động.

“Khi chúng tôi bắt ai đó, hàng trăm trật tự viên sẽ xuất hiện để giúp đỡ chúng tôi nếu binh sĩ không xuất hiện”, Mohamed Shaaban, một trật tự viên, kể.

Shaaban kể rằng, vài tối trước anh thấy 47 thành viên của Anh em Hồi giáo chuẩn bị tấn công một tòa nhà của Bộ Nội vụ. Sau đó một trật tự viên đã dung điện thoại di động để quay phim cảnh tượng đám người kia bị tống lên xe cảnh sát.

Uy tín của tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi giảm do dư luận nghĩ ông muốn nắm trọn quyền lực và không thể cải thiện nền kinh tế.

Nhóm binh sĩ gần chốt kiểm soát tỏ ra thận trọng hơn. Họ không nói tới Anh em Hồi giáo nhưng bảo vệ hành động can thiệp của quân đội sau khi người dân biểu tình rầm rộ để phản đối chế độ của Morsi.

Giới truyền thông gọi đó là một cuộc đảo chính, nhưng đó không phải là đảo chính. Chúng tôi chỉ đáp lại nguyện vọng của nhân dân”, một sĩ quan khẳng định trong lúc ra lệnh cho nhóm binh sĩ vào vị trí dọc theo một con đường tối.

Nhiều người Ai Cập không biết khủng hoảng chính trị sẽ kéo dài bao lâu tại đất nước 85 triệu dân. Họ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này để rồi rơi vào cuộc khủng hoảng khác từ khi cựu tổng thống Hosni Mubarak từ chức bởi làn sóng biểu tình vào năm 2011.

Trong lúc nhóm trật tự viên làm nhiệm vụ và đám binh sĩ tuần tra trên đường phố, một người bán trứng dạo lắc đầu khi ông xem bản tin trên tivi.

“Cuộc sống của chúng tôi vốn đã khó khăn dưới thời Mubarak. Giờ đây cuộc sống trở nên ngột ngạt tới mức chúng tôi không thể chịu nổi. Làm sao chúng tôi có thể tồn tại nếu chúng tôi không thể di chuyển tự do vào ban đêm để bán trứng?”, ông nói.

 

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm